Giữa đêm, cơ quan chức năng quận 7 tiến hành đo cường độ tiếng ồn tại một cơ sở sản xuất nước đá, nơi bị người dân phản ảnh gây ồn ào, ảnh hưởng khu dân cư - Ảnh: CHÂU TUẤN
Vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa thể trị dứt điểm.
Không đợi đến cuối năm mà trước phản ánh qua các kênh của người dân, UBND TP.HCM đã đưa ra quyết sách xử lý ô nhiễm tiếng ồn.
Ngày 19-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể, UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn.
Ông Hoan nhận định thời gian qua dù TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về địa phương để xử lý triệt để vi phạm tiếng ồn nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Không những vậy tình trạng cố ý gây tiếng ồn tại cộng đồng còn diễn ra tràn lan phổ biến trở thành vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng đến môi trường đô thị và chất lượng sống của người dân TP.
Giải quyết tình trạng này, TP đã lên kế hoạch chia làm 2 giai đoạn để xử lý. Giai đoạn đầu, TP chỉ đạo các cơ quan, sở ngành, quận huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân cam kết thực hiện nghiêm các quy định pháp luật có liên quan đến việc không gây ô nhiễm tiếng ồn.
Thời gian thực hiện tập trung từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6 với chủ đề "Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta".
Giai đoạn này sẽ tập trung nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng thông qua tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến người dân. Đồng thời lồng ghép việc kiểm tra giám sát, xử lý các hoạt động làm phát sinh tiếng ồn trong khu dân cư thông qua các kênh tiếp nhận của TP như tổng đài sự cố hạ tầng kỹ thuật, các kênh phản ánh của quận huyện...
Từ tháng 6 bắt đầu giai đoạn hai, tăng cường thực hiện kiểm tra giám sát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến gây ô nhiễm tiếng ồn. Cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm, nhất là vào dịp cuối năm, sau đó sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch, các giải pháp lâu dài.
Để việc thực hiện hiệu quả, TP yêu cầu các địa phương phải thành lập tổ công tác liên ngành, kiểm tra đột xuất theo lĩnh vực phụ trách để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư. Việc kiểm tra phải có trọng tâm trọng điểm, khoanh vùng khu vực thường xuyên bị phản ảnh chứ không làm đại trà qua loa đối phó.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái phạm các vi phạm, xử lý người đứng đầu nếu việc xử lý tiếng ồn tại địa phương không hiệu quả.
Đồng thời về lâu dài, TP giao công an TP Thủ Đức và 21 quận huyện chủ động thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn. Vào ngày 15 mỗi tháng có báo cáo về Công an TP thông qua phòng cảnh sát môi trường. Báo cáo phải tổng hợp đầy đủ số liệu về số vụ, xử lý ra sao...
Hiện nay việc xử lý vi phạm về tiếng ồn dựa trên 4 nghị định liên quan gồm: 100/2019, 167/2013, 155/2016 và 98/2020, mức xử phạt từ 100.000 - 160 triệu đồng tùy trường hợp.
Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều địa phương, việc xử lý vẫn dựa chủ yếu trên nghị định số 167/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
Mức phạt ở nghị định này chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng, chưa đủ sức răn đe. Khoảng thời gian xử phạt theo quy định từ 22h đến 6h nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng.
TTO - Công viên vốn là "lá phổi" của TP, nhưng đi cùng sự phát triển của đô thị, không ít công viên bị ảnh hưởng vì nạn xả rác.