Thị trường nội địa đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nông sản hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, khi tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu đang gia tăng.
Trước tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường nội địa cuối năm.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong tình hình COVID-19, Bộ NNPTNT đã tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại để kết nối nông sản giữa các doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tình hình ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới hiện nay, thị trường trong nước đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho bà con nông dân.
Chiều ngày 21.12, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021.
Chia sẻ về hội chợ trong bối cảnh khó khăn do COVID-19, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (đơn vị được Bộ NNPTNT giao tổ chức hội chợ), cho biết: Với quy mô 50 gian hàng trực tuyến của gần 20 tỉnh thành trong cả nước từ nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các Sở NNPTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới, Sở Công Thương… các tỉnh, thành phố, hội chợ trưng bày giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP 3-4 sao như: Lụa tơ tằm, trái cây 3 miền; gạo hữu cơ, chả mực; yến sào, đông trùng hạ thảo; trà, cà phê các loại…
Đây là các sản phẩm của các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình, câu lạc bộ, hợp tác xã; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, trang trại, cơ sở làng nghề; các tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 diễn ra tập trung trong 5 ngày từ ngày 21 – 25.12.2021 trên công nghệ SmartROOM nền tảng số triển lãm trực tuyến với quy mô 50 gian hàng trực tuyến.
Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam là sự kiện thường niên của ngành NNPTNT. Trải qua 16 năm tổ chức, hội chợ đã giúp các doanh nghiệp, làng nghề và nghệ nhân giới thiệu và khai thác tốt thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua hội chợ, các địa phương đã hiện thực hóa các kế hoạch quảng bá nông nghiệp địa phương, các doanh nghiệp đã giới thiệu và khai thác tốt thị trường tiêu thụ nội địa, tôn vinh các làng nghề phố nghề và nghệ nhân truyền thống.
Bên lề hội chợ diễn ra “Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của 100 - 150 đại biểu tại các điểm cầu. Sau khi kết thúc hội chợ, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được Ban tổ chức kéo dài các giao dịch trong vòng 1 tháng đến hết ngày 21.1.2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp tục các hoạt động của hội chợ.
Xem thêm: odl.540789-peihgn-hnaod-ohc-nas-gnon-mahp-nas-uht-ueit-ort-oh-coun-gnort-ohc-ioh/et-hnik/nv.gnodoal