Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, có 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
Để đạt được các mục tiêu này, NHNN cho biết sẽ thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý…
Ngoài ra sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách, bao gồm nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Đồng thời xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Tiền kỹ thuật số được cho là sẽ thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Ảnh minh họa |
Tiền kỹ thuật số không ở dạng vật lý, có nhiều loại như coin (Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple), tiền thuật toán, tiền điện tử, tiền mã hóa, chỉ có thể sở hữu và giao dịch bằng máy tính, ví điện tử. Tiền kỹ thuật số ra đời và được sử dụng làm phương tiện thanh toán ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tiền kỹ thuật số được Chính phủ và NHNN xem là một loại tài sản ảo (gọi chung là tiền ảo), không coi là phương tiện thanh toán và việc dùng tiền này làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm pháp luật.
Để nắm bắt xu thế phát triển tiền kỹ thuật số trên thế giới, việc đề xuất cơ chế, chính sách về loại tiền này là phù hợp. Đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh số, tiền kỹ thuật số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.3943541a-os-tauht-yk-neit-yl-nauq-ehc-oc-oc-pas/nv.moc.enilnounuhp.www