Các nhà phân tích tại Goldman Sachs phát hiện rằng 5 trong số những cổ phiếu lớn nhất của S&P 500 tạo ra hơn một nửa mức tăng của chỉ số này kể từ tháng 4. Còn tính từ đầu năm đến nay thì Microsoft, Nvidia, Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Tesla đóng góp khoảng 1/3 trong mức tăng 24% của S&P 500.
Theo Wall Street Journal, sự thống trị của một số ít gã khổng lồ công nghệ đánh dấu sự thay đổi so với cuộc phục hồi toàn diện hơn của thị trường trong giai đoạn cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư có vẻ đang quay lại chiến lược được ưa thích trong thập kỷ trước: Tập trung vào một nhóm nhỏ công ty công nghệ lớn, đang tăng trưởng và sinh lời. Động lực là tìm kiếm sự an toàn giữa một loạt chuỗi sự kiện đáng lo.
Một số nhà đầu tư và nhà phân tích nhận định rằng tình cảnh trên đặt S&P 500 – và hơn 5.000 tỷ USD chảy qua thị trường thông qua các quỹ đầu tư thụ động – vào tình thế hiểm nghèo khi bước sang năm mới.
Ông Peter Cecchini, Giám đốc nghiên cứu tại quỹ đầu cơ Axonic Capital chỉ ra: "Nếu vì bất kỳ lý do gì mà 5 công ty trên ngừng tăng giá thì thị trường sẽ không còn chỗ dựa".
Nhà đầu tư đã phải nếm trải sự thật này trong những phiên giao dịch gần đây. Tuần trước S&P 500 giảm gần 2% khi Microsoft, Nvidia, Apple, Alphabet và Tesla hao hụt hơn 4,1%. Tuần này, cả 5 cổ phiếu trên đều tiếp tục góp phần dẫn dắt chỉ số, với cả 5 sụt giảm trong phiên 20/12 trước khi phục hồi nhẹ trong bối cảnh S&P 500 tăng 1,8% ngày 21/12.
Wall Street Journal (WSJ) nhận định nhà đầu tư có vẻ đang bán bớt 5 cổ phiếu này và các công ty tăng trưởng khác để gom những cổ phiếu phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu để phản ứng với quyết định xoay chuyển chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước.
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lo ngại về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp năm sau càng khiến tâm lý nhà đầu tư xấu đi.
Theo khảo sát tâm lý hàng tuần của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ hồi đầu tháng, số người dự đoán chứng khoán suy giảm trong 6 tháng tới chiếm đến 42%, tỷ lệ tiêu cực nhất trong hơn một năm.
Ông Vincent Deluard, chuyên gia vĩ mô toàn cầu tạ StoneX Group cho biết các cổ phiếu tăng trưởng chưa sinh lời – "con cưng" của cuộc phục hồi 2020 – đã bị ảnh hưởng nặng nề. Ông xác định được hơn 300 công ty chưa sinh lời có cổ phiếu lao dốc hơn 50% từ đỉnh gần nhất.
Một thước đo độ rộng thị trường so sánh hiệu suất của chỉ số S&P 500 thông thường với phiên bản S&P 500 trong đó các cổ phiếu được gán trọng số bằng nhau.
Phiên bản được điều chỉnh thường vượt trội hơn so với S&P 500 thực khi đa số cổ phiếu tăng tiến. Điều này đã xảy ra trong giai đoạn tháng 11/2020-tháng 4/2021, khi phiên bản S&P 500 trọng số bằng nhau đánh bại S&P 500 thông thường 7 điểm %. Nhưng trong 6 tháng qua, S&P 500 thực đã đánh bại phiên bản trọng số bằng nhau với cách biệt gần 4 điểm %.
Các chỉ báo khác cho thấy bao nhiêu cổ phiếu đang dẫn dắt các chỉ số chứng khoán lớn cũng cho thấy độ rộng thị trường sụt giảm. Ví dụ, tỷ lệ cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York đóng cửa trên đường MA 200 giảm còn 41% vào đầu tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 17 tháng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết từ năm 1980 đến nay chỉ có 11 trường hợp độ rộng thị trường thu hẹp mạnh như giai đoạn tháng 4 - tháng 10/2021. Hầu hết sau những giai đoạn này, chỉ số S&P chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận dưới trung bình trong các khung thời gian 1, 3, 6 và 12 tháng.
Sau khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường thu hẹp thì thường phải mất 4 tháng để mở rộng trở lại. Nhưng kể cả trong trường hợp đó thì các cổ phiếu lớn nhất trong S&P 500 vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể. Do vậy sự thoái lui liên tục bởi một hoặc vài cổ phiếu lớn nhất có thể xóa sổ mức tăng của phần còn lại của chỉ số.
Ông Olivier Sarfati, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại GenTrust chia sẻ: "Điều khiến tôi lo lắng nhất là sự tập trung thiếu bền vững - quá nhiều giá trị nằm trong quá ít các công ty".
Xem thêm: mth.7865228022211202-ueihp-oc-5-iob-iohp-ihc-ib-ym-naohk-gnuhc-gnourt-iht-ihk-iagn-ol/nv.zibmanteiv