Nghe đến tín dụng tiêu dùng, người ta hay liên tưởng đến việc phải vay lãi suất cao, nhưng bên cạnh đó cũng có những gói sản phẩm lãi suất cực thấp, phổ biến và được quan tâm nhất là cho vay trả góp lãi suất 0% khi mua hàng tại các hệ thống bán lẻ lớn.
Với tâm lý "không có bữa ăn nào miễn phí", nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hình thức mua hàng trả góp 0%, đặt ra không ít thắc mắc như công ty tài chính kiếm tiền từ đâu và có phải lãi suất 0% kèm các chính sách hỗ trợ khác thì giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên nhiều?
Đúng như tên gọi, trả góp 0% được hiểu là khách hàng mua sắm theo hình thức trả góp và không bị tính lãi suất. Khách hàng thường phải thanh toán trước từ 20-30% giá trị món hàng, khoản còn lại sẽ được trả góp trong vòng từ 3-12 tháng.
Đây là một hình thức hợp tác giữa nhà bán lẻ và tổ chức tài chính để kích cầu mua sắm. Theo đó, tổ chức tài chính này sẽ bỏ tiền ra trả cho cửa hàng thay cho bạn khi mua trả góp, và sau đó thu tiền từ bạn mỗi tháng để bù lại.
Tất nhiên, với mỗi một doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh nào đó đều phải đem về lợi ích và hình thức trả góp 0% này cũng vậy. Phần lợi nhuận mà các công ty tài chính nhận được đến từ chính các nhà bán lẻ.
Có thể hiểu, chương trình trả góp 0% cũng là một hình thức quảng cáo, marketing nhằm thu hút người dùng và khá hiệu quả. Nếu để ý một chút thì sẽ thấy nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hay quà tặng sẽ không được áp dụng khi mua hàng trả góp.
Ví dụ, nhà bán lẻ nhập một chiếc laptop giá 20 triệu, bán ra với giá 22 triệu, trong đó làm khuyến mãi và giảm giá cho khách hàng 1 triệu đồng dưới dạng voucher thì nhà bán lẻ vẫn có lãi 1 triệu. Tuy nhiên, số người có ngay khoản tiền lớn như vậy để trả thẳng là không nhiều.
Trong khi đó, vẫn chiếc laptop đó, nhà bán lẻ hợp tác với tổ chức tài chính đưa ra lựa chọn mua trả góp 0%, bán với giá 22 triệu, tức khách hàng được trả góp mà không được nhận quà tặng, voucher. Khách hàng có thể trả trước 6 -8 triệu đồng và thanh toán số tiền còn lại trong 3-12 tháng. Từ số tiền chênh lệch 2 triệu đồng, nhà bán lẻ sẽ trích ra 1 triệu cho tổ chức tài chính, như vậy nhà bán lẻ vẫn có lãi 1 triệu/1 chiếc laptop.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là doanh số nhờ chương trình trả góp này sẽ tăng lên vì nhiều khách hàng không quan tâm đến khuyến mãi mà thích trả góp để phù hợp với thu nhập hàng tháng, đặc biệt phù hợp với sinh viên, người mới ra trường, khả năng tài chính eo hẹp.
Đối với các công ty tài chính và các cửa hàng bán lẻ, việc hợp tác này sẽ có lợi cho cả hai bên bởi họ sẽ có thêm cơ hội tăng thêm lượng khách hàng, tăng doanh số cũng như thị phần. Thông qua hình thức này, công ty tài chính sẽ tiếp cận được số lượng khách hàng tham gia cao hơn, từ lịch sử thanh toán của khách hàng để chào mời các sản phẩm khác sau này.
Ngoài ra, thông thường, người mua hàng cũng phải trả thêm một số khoản phí khi trả góp 0%, đó có thể là tiền phí thu hộ, tiền phí bảo hiểm hoặc phí chuyển đổi trả góp (tuy nhiên số tiền này thường không đáng kể, thường khoảng từ 15.000- 20.000 đồng/tháng).
Đối với khách hàng, trong thời buổi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để có khoản tiền mua sắm ngay những vật dụng có giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày không hề dễ dàng. Những chương trình khuyến mãi này sẽ hỗ trợ khách hàng sở hữu ngay những mặt hàng mong muốn ngay khi chưa có đủ tiền để mua.
Thông thường, khách hàng có thể đăng ký trả góp với công ty tài chính hoặc lựa chọn trả góp bằng thẻ tín dụng. Nếu lựa chọn trả góp bằng thẻ tín dụng để mua sắm trên các trang thương mại điện tử, người dùng cần lưu ý kỹ để tránh chọn nhầm sang phương thức trả thẳng. Bởi nếu hàng tháng không hoàn lại được số tiền đã vay, khách hàng có thể phải chịu lãi suất, phí trả chậm khá "chát".
Theo Thanh Anh
Doanh nghiệp & Tiếp thị