Thị trường bất động sản “sôi động” khắp nơi
Thị trường bất động sản những tháng cuối năm hiện nay đang chứng kiến cơn “sốt đất” âm ỉ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Trái ngược là cơn sốt không diễn ra ở các thành phố lớn theo đúng nguyên lý của thị trường mà hầu hết diễn ra ở các vùng ven và tỉnh thành lân cận.
Đơn cử, phiên đấu giá 32 thửa đất tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vừa qua giá trúng đa phần dao động ở mức 63 - 77 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, một lô đất có diện tích 134,3 m2 có giá trúng lên đến 99,3 triệu đồng/m2, tương đương 13,3 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với giá thị trường tại khu vực. Chưa hết, mức giá này đã tương đương nhiều lô đất nằm ở mặt phố khu vực trung tâm TP. Hà Nội.
Nhiều khu vực "sốt đất" những tháng cuối năm.
Hay tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), giá đất thời gian qua còn thay đổi theo từng ngày, chỉ ít ngày giá đất trong khu vực cũng tăng từ 20 - 30%. Đơn cử, một mảnh đất rộng 100m2 nằm ở mặt đường 16m, trong 4 ngày mức giá 20 triệu đồng/m2 đã lên tới 28 triệu đồng/m2, tương đương 2,8 tỷ đồng.
Tại khu vực phía Nam, giá đất ở huyện Định Quán, Đồng Nai, khoảng đầu tháng 11/2021, nhiều lô đất có giá 300 triệu đồng/nền thì nay cũng đã lên tới 420 - 460 triệu đồng/nền.
Chưa hết, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, môi giới trong khu vực cho biết, kể từ khi hết giãn cách tới nay giá đất cũng tăng từ 20 - 30%. Trong đó, đất tại các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Còn tại TP. Đông Hà (Quảng Trị) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) sau khi có sự đổ bộ của Tập đoàn Vingroup, “ăn” theo dự án giá đất cũng “nhảy múa” liên tục.
Nguồn cung hạn chế, giá đất tăng nhưng cẩn trọng “sốt ảo”
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay khi các thị trường truyền thống như Hà Nội và TP. HCM giá bất động sản tăng cao, nguồn cung bất động sản hạn chế và không có nhiều loại hình mới. Do đó, nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về vùng ven và các tỉnh thành lân cận là vùng trũng của thị trường bất động sản.
“Sau dịch có 2 dòng sản phẩm mà các nhà đầu tư quan tâm nhiều là bất động sản công nghiệp và bất động sản du lịch, có khả năng sinh lợi tốt. Đây là 2 loại hình bất động sản ở Việt Nam vẫn đang là sơ khai nên các hệ thống hạ tầng vẫn chưa được hoàn hảo. Nhà đầu tư đang lựa chọn đi trước để đón sóng hạ tầng, đô thị nên khi nhu cầu tăng thì giá sẽ thay đổi”, ông Đính nói.
Gía đất tăng phải tương xứng với hạ tầng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng: “Để bất động sản tăng giá thì hạ tầng phải tương xứng. Nhưng không thể có chuyện giá tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn vì việc phát triển hạ tầng cần có quá trình để xây dựng, theo thôi rõ ràng đã có sự thổi giá. Nên việc đi trước đón đầu nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. Nếu giá đã tăng kịch trần hoặc vượt trần thì nhà đầu tư rất có khả năng bị mắc cạn nhiều năm sau khi giá đất đúng giá trị thật mới có thể bán được, còn không chỉ có đi lừa người khác mới có thể bán”.
Đánh giá về việc đầu tư đất trong thời gian này, ông Đính nhận định, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác thì đất vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Nhưng nhà đầu tư cần cân nhắc việc vốn đầu tư là vốn thật, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ngoài ra, vị chuyên gia chia sẻ thêm, việc đi trước đón đầu cũng cần có mục đích rõ ràng, nếu chỉ có mục đích đầu cơ trục lợi thì rõ ràng gây lãng phí tài nguyên đất, trong khi những người có nhu cầu thực lại không thể mua vì giá đã quá cao. Cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn việc đầu cơ để bất động sản được đưa vào sử dụng hiệu quả.
Theo Tuấn Minh
Nhịp sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.69092609122211202-uad-o-man-od-yl-pah-mah-gnon-ial-nas-gnod-tab-gnourt-iht/nv.zibefac