Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam giám đốc CDC Hải Dương - Ảnh: GIANG LONG
Ông Nguyễn Đức Sáu - nguyên đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - nhìn nhận: "Qua những thông tin báo chí đưa bước đầu trong vụ việc kit xét nghiệm tại Công ty Việt Á, dư luận sẽ đặt vấn đề tại sao cơ quan quản lý trực tiếp không tham gia hoặc có cơ chế kiểm tra sớm hơn để nhanh chóng phát hiện khiếm khuyết, lỗ hổng và ngăn chặn kịp thời...".
Vai trò hậu kiểm ở đâu?
* Như ông nói thì sự vào cuộc của cơ quan điều tra trong vụ án nâng giá kit xét nghiệm vẫn chưa phải sớm nhất, cần sự vào cuộc sớm hơn của các cơ quan khác để phát hiện sai phạm?
- Trong tình huống cần ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19, việc cho các địa phương chủ động chỉ định thầu vật tư, thiết bị y tế… là cần thiết. Tuy nhiên, cần đặt câu hỏi cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực mua sắm kit xét nghiệm là ai? Trường hợp này, cấp quản lý của Bộ Y tế là cơ quan nào?
Nếu cơ quan đó khách quan, vô tư và vào cuộc sớm hơn trước thông tin ồn ào của dư luận lâu nay hẳn không để có những sai phạm quá lớn buộc cơ quan điều tra vào cuộc. Giá trị thật của kit xét nghiệm được trả lại và người tiêu dùng, ngân sách nhà nước giảm bớt những chi phí.
* Ông đang nói đến vai trò hậu kiểm của các cơ quan?
Ông Nguyễn Đức Sáu
- Chúng ta có đặt ra cơ chế hậu kiểm, nhưng thời gian sớm hay muộn để kiểm tra lại phụ thuộc vào cơ quan có chức năng. Tôi cứ băn khoăn nên chọn lựa sử dụng từ gì thay cho từ "hậu kiểm" để các cơ quan có trách nhiệm tham gia kiểm tra sớm hơn, chứ dùng từ "hậu kiểm" thì bao lâu sau khi sự việc xảy ra mới kiểm tra? Trong khi có những vụ việc từ khi thực hiện đến hậu kiểm xã hội đã phải chịu nhiều hậu quả rất lớn.
* Dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi với các cơ quan trực tiếp quản lý tại sao không sớm kiểm tra, phát hiện?
- Đương nhiên dư luận sẽ đặt ra rồi. Một số cơ quan lâu nay đưa ra nguyên nhân do lượng công việc, đơn từ, yêu cầu khiếu nại, tố cáo… của người dân quá nhiều, trong khi lực lượng tham gia xử lý đơn quá mỏng, quá ít cho nên không kịp vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, bây giờ khoa học công nghệ phục vụ rất nhiều, thiết thực cho vấn đề quản lý xã hội, không nhất thiết phải tăng số người.
Trách nhiệm của cơ quan hậu kiểm chưa chạm vào sự thật
* Có nghĩa là nếu để xảy ra sai phạm trong những vụ án kinh tế, tham nhũng… có một phần trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm hậu kiểm?
- Vừa qua trong Luật phòng chống tham nhũng có nêu những cơ quan chức năng đã thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán kết luận về vụ việc không có sai phạm nhưng sau đó vụ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định rằng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì những cá nhân, tập thể đã tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trước đó phải chịu trách nhiệm.
Như vậy, trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm đã được nhìn thấy rõ. Lâu nay người dân chờ đợi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ, nhanh chóng phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại sao có những vụ việc được thanh tra, kiểm tra và kết luận nhiều lần nhưng đánh giá chưa tới mức, chưa chạm được vào sự thật - ở đây là sai phạm.
* Theo ông, cần làm gì để nâng cao công tác hậu kiểm nhằm kịp thời ngăn chặn sai phạm?
- Việc chuyển nhượng, mua sắm tài sản công luôn là mảnh đất màu mỡ cho những ý định trục lợi riêng. Quy định về quy chế đấu thầu hiện nay rất rõ, việc đấu thầu công khai và minh bạch sẽ hạn chế được những vấn đề tiêu cực.
Tuy vậy trong những tình huống khẩn cấp, đặc biệt buộc phải có cơ chế cho chỉ định thầu. Với những trường hợp đặc biệt này, nếu có sự tham gia sớm của các cơ quan chức năng vào giám sát, kiểm tra sẽ làm cho cá nhân người có thẩm quyền sợ không dám thực hiện các hành vi thông đồng để trục lợi, tham nhũng. Lý lẽ đơn giản nhất kiểm tra sớm, xử lý kịp thời sẽ làm chùn tay những đối tượng manh nha kiếm lợi bất chính, ngăn chặn được hậu quả có thể xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra
Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiêu cực và "lợi ích nhóm", tuyệt đối không được để xảy ra vi phạm pháp luật; trường hợp khó khăn vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, kịp thời trao đổi, báo cáo Bộ Y tế và các bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư để xử lý, giải quyết.
TTO - Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí, trả lời các câu hỏi của truyền thông về bộ xét nghiệm PCR do Công ty Việt Á sản xuất.