Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM xử lý các loại rác xây dựng, cồng kềnh - Ảnh: CAO TUẤN
Để người dân tiếp cận được dịch vụ, quận huyện phải có công bố cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để người dân phối hợp dễ dàng, thuận lợi.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế vẫn rất ít trường hợp liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý loại rác thải này. Khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thay mới nội thất và trang thiết bị, người dân thường thuê người quen chạy xe ba gác hoặc chính những người sửa chữa chở đi bỏ giúp.
"Nhà tôi có cái bồn vệ sinh bị nứt, tôi gỡ ra rồi kêu người quen tới đập nhỏ đem đi bỏ chứ không biết gọi cơ quan chức năng nào. Trước đây nhà có tấm nệm, cái khung gỗ bị hư bỏ ra cả tuần mà phía thu gom rác để y đó không lấy nên đợt này tôi gọi người quen tới xử lý cho nhanh" - anh Thanh Vũ, ngụ phường 27 (quận Bình Thạnh) cho biết.
Khi được hỏi anh có biết sau khi người quen đập nhỏ bồn vệ sinh rồi đem đi đâu bỏ không, anh Vũ nói không biết và anh đoán chắc sẽ đổ dọc bờ kè hoặc khu đất trống nào đó vì loại rác này cũng như gạch đá không gây hại môi trường.
Theo đánh giá của phòng tài nguyên và môi trường một quận nội thành, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân còn ngại liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý loại rác này là do giá xử lý cao. Quận đang chỉ đạo các phòng ban liên quan thẩm định đơn giá để người dân tiếp cận dễ dàng hơn, tránh nạn bỏ rác ra đường vì tiếc tiền.
Số liệu Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM thống kê cho thấy khối lượng rác cồng kềnh, rác thải xây dựng thải ra mỗi ngày tại TP chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt. Mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.300 - 9.500 tấn rác đồng nghĩa có gần 2.000 tấn rác cồng kềnh. Mỗi dịp cuối năm, khi người dân có nhu cầu dọn dẹp, sửa sang nhà cửa thì lượng rác này càng tăng đột biến hơn.
Về hướng xử lý các loại rác thải cồng kềnh, quyết định 09 ban hành năm 2021 của UBND TP nêu rõ: cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển. Nếu không có khả năng vận chuyển thì có thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển rác thải để lực lượng này thu gom, vận chuyển rác cồng kềnh đến nơi tiếp nhận. Nơi tiếp nhận là điểm hẹn, trạm trung chuyển rác hoặc điểm tiếp nhận rác cồng kềnh do chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt phối hợp với UBND cấp huyện xác định và công bố.
Trường hợp rác cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm thể tích có thể chứa trong thùng 660 lít thì có thể thu gom trực tiếp ra điểm hẹn rác.
TP cũng quy định rác cồng kềnh được vận chuyển, xử lý như rác sinh hoạt thông thường. Việc thu gom, vận chuyển rác thải rắn cồng kềnh từ điểm tập kết đến cơ sở xử lý chất thải do chủ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt phối hợp với UBND cấp quận huyện xác định.
Công việc này được thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng và được UBND cấp quận huyện đưa vào nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn mình quản lý. Người dân hay đơn vị nào thải bỏ ra loại rác này phải trả phí dịch vụ tháo rã, thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với các đơn vị cung ứng dịch vụ.
TTO - Những ngày cuối năm cận kề, người dân tại TP.HCM lại không khỏi lo lắng với vấn nạn "khủng bố" tiếng ồn trong đô thị như tiếng máy móc thi công, loa kẹo kéo hát karaoke, loa phát quảng cáo giảm giá tại các cửa hàng để thu hút khách...