Theo tờ Washington Post, Giáng sinh vốn là ngày lễ cho nhiều cặp tình nhân có cơ hội được tìm hiểu nhau hơn, thế nhưng với cánh đàn ông độc thân Nhật Bản thì đây lại chẳng khác gì "cái gai trong mắt". Vào mỗi mùa Noel hàng năm, một nhóm đàn ông độc thân thuộc hội "Kakumeiteki Hi-mote Domei" (KHD) hay "Hội cách mạng của những nam giới thất bại trong mắt phụ nữ" lại tụ tập để biểu tình phản đối các cặp đôi hẹn hò ngày Giáng sinh.
Tại Nhật Bản, Giáng sinh không phải một ngày lễ chính thức và chúng trở thành cơ hội để các cặp đôi hẹn hò hơn. Ngày lễ này du nhập vào từ Phương Tây nhưng tại Nhật Bản, các cặp đôi lại trao nhau quà tặng trong đêm Giáng sinh như một văn hóa đặc trưng cho dịp hẹn hò hơn là các biểu tượng tôn giáo.
"Trong xã hội ngày nay, tiền bạc và quà tăng đang ảnh hưởng quá nhiều đến tình yêu, khiến nhiều nam giới tầm thường không được công nhận xứng đáng...Những nam giới bình thường không có bạn gái đang bị ngày càng coi thường tại Nhật Bản. Chúng tôi muốn phá vỡ rào cản này", trưởng nhóm KHD với biệt danh "Mark Water" trả lời Washington Post.
Việc nhóm độc thân này biểu tình trong dịp Giáng sinh thường thu hút sự chú ý của người đi đường dù chúng diễn ra chỉ chưa đầy 1 tiếng tại quận đông đúc Shibuya-thủ đô Tokyo. Đoàn người này di chuyển và hô vang những khẩu hiệu như "Phản đối Giáng sinh", "Đập tan chủ nghĩa lãng mạn"... trước khi kết thúc bằng một bài diễn văn tuyên ngôn của trưởng nhóm.
Mặc dù vậy cuộc biểu tình này diễn ra khá hòa bình và đôi khi thu hút cả phụ nữ hận tình hay những người chỉ đơn giản là không có ai đi chơi cùng dịp Giáng sinh, muốn được góp vui trong ngày lễ Noel. Chính bản thân nhóm KHD cũng thừa nhận họ muốn truyền tải thông điệp tích cực về tự do yêu đương cho mọi người thay vì những cảm xúc tiêu cực trong dịp lễ.
Cuộc chiến của người độc thân
Theo Washington Post, truyền thống xuống đường biểu tình ngày Giáng sinh bắt đầu từ năm 2006 khi nhóm KHD được thành lập. Mục đích biểu tình của nhóm khá đa dạng, từ việc phản đối yêu đương dựa trên giá trị vật chất quà tặng đến chống lại các công ty chocolate hậu thuẫn cho ngày lễ này để bán hàng.
Không riêng gì Giáng sinh, nhóm KHD còn tổ chức biểu tình vào những dịp Lễ tình nhân (Valentine 14/2) hàng năm. Theo đó, họ cho rằng văn hóa trao quà trong các dịp lễ gây áp lực lên những người không có đủ khả năng. Thậm chí việc lựa chọn đối tượng trao quà ưu tiên cho những người có ngoại hình đẹp hay giàu có vô hình tạo áp lực lên những người bình thường.
Rất nhiều người không nhận được quà tặng cảm thấy xấu hổ và bị coi thường khi những người khác nhận được nhiều quà từ chị em phụ nữ hơn.
Bên cạnh đó, văn hóa trao quà cũng khiến nhiều người trở nên mệt mỏi và làm mất đi ý nghĩa thực sự của tình yêu. Nhiều người buộc phải mua quà tặng người yêu nhằm không bị bạn bè, đồng nghiệp soi mói.
Cuộc chiến của những người độc thân tại Nhật Bản đang ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi số lượng thành viên của KHD tăng lên cùng ngày càng nhiều người tham gia. Nguyên nhân thì vô cùng đơn giản, số lượng người độc thân tại Nhật Bản đang ngày càng nhiều.
Theo Washington Post, hơn một nửa dân số Nhật Bản hiện đang trong tình trạng độc thân và có đến 61% nam giới độ tuổi 18-34 không có mối quan hệ yêu đương nào. Thậm chí có cả một thế hệ "thanh niên cỏ" từ bỏ hẹn hò người thật để chuyển qua những cô bạn gái ảo trên mạng.
Các cuộc khảo sát của Viện dân số quốc gia Nhật Bản (NFS) cho thấy 60% nam giới và 50% phụ nữ không muốn kết hôn, một con số cực kỳ đáng báo động với quốc gia đang lão hóa dân số nhanh chóng.
42% phụ nữ Nhật chưa từng quan hệ
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ người không kết hôn tại Nhật Bản đã tăng mạnh từ thập niên 1990 trở lại đây do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chi phí tăng cao và cơ hội việc làm thấp. Những khó khăn này đã khiến nhiều bạn trẻ thà sống độc thân hơn là tốn tiền hẹn hò hay kết hôn.
Bên cạnh đó, văn hóa sống và làm việc tại Nhật Bản cũng ưu tiên cho người độc thân hơn. Hàng loạt các máy bán hàng tiện lợi, cửa hàng cho người độc thân, nhà hàng với suất ăn 1 mình... xuất hiện tại Nhật Bản. Văn hóa tôn trọng sự riêng tư khiến cuộc sống độc thân tại đây cực kỳ thoải mái.
"Khoảng 80% người dân hiện nay thường xuyên ăn trưa một mình. Tất cả các nhà hàng, quán karaoke, sở thú hay thậm chí là khách sạn cũng được thiết kế để thân thiện với người độc thân hơn", chuyên gia marketing trưởng Kazuhisa Arakawa của Hakuhodo nhận định.
Thêm vào đó, áp lực công việc khiến nhiều người thích được sống độc thân tại Nhật Bản hơn là có gia đình. Hình ảnh làm việc quá tải hay ngủ gục bên đường tàu tại Nhật rất phổ biến và chúng thường thích hợp cho những người độc thân hơn.
Khảo sát của dự án "Solo Activity Men Research Project" cho thấy chỉ có khoảng 30% cánh đàn ông Nhật Bản là tích cực tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương, trong khi có đến 42% số phụ nữ độc thân Nhật Bản độ tuổi 18-34 chưa từng "quan hệ" với bất kỳ đàn ông nào.
"Tôi không biết mình có thích sống độc thân không nhưng tôi thấy sống như vậy rất thoải mái. Tôi thích đọc sách, chơi game và có thể bỏ tiền ra nếu muốn quan hệ dù tôi chẳng hứng thú lắm. Tôi nghĩ mình sống như này tốt hơn đấy, ít bị stress hơn", anh Junichi Mishima, 31 tuổi sống tại Fukuoka cho biết.
http://tintuc.vdong.vn/12/1147400.htmHuyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị