Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thủ tướng yêu cầu giải quyết ngay nguồn ô xy để điều trị Covid-19 tại TP.HCM. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm nay 23.12, vừa ký công điện của Thủ tướng về việc bảo đảm nguồn cung ô xy cho điều trị người bị nhiễm Covid-19 gửi bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Công điện nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt, những ngày gần đây, tại TP.HCM và một số địa phương phía nam gặp khó khăn trong đảm bảo ô xy phục vụ công tác điều trị.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng. Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn ô xy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Sinh phẩm xét nghiệm nhanh t.n |
Hai bệnh viện ở TP.HCM mua sinh phẩm của Công ty Việt Á. Sau 2 ngày yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, báo việc mua sắm, ngày 23.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết có 2 cơ sở khám, chữa bệnh đã mua sinh phẩm của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test, tổng giá trị trên 636 triệu đồng, tương đương 509.250 đồng/test. Bệnh viện TP.Thủ Đức mua 65.870 test, tổng giá trị hơn 32 tỉ đồng, tương đương 486.154 đồng/test.
Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định không mua sinh phẩm của Công ty Việt Á để làm RT-PCR. Trong đợt dịch thứ 4, vào tháng cao điểm, từ 23.8 đến 28.9, TP.HCM triển khai 7 đợt xét nghiệm tầm soát cho người dân vùng nguy cơ cao, tổng cộng hơn 15,1 triệu test nhanh ở vùng cam, đỏ và 265.000 RT-PCR cho vùng xanh, vàng.
|
TP.HCM ban hành quy trình, trách nhiệm trong đánh giá cấp độ dịch Covid-19 |
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định mua 2 gói thầu kit test của Công ty Việt Á. Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh này có mua 2 gói thầu kit xét nghiệm RT-PCR của Công ty Việt Á bằng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt (dịch bệnh) với giá 509.000 đồng/test. Hiện Sở Y tế đang kiểm tra lại để xác định tổng giá trị 2 gói thầu này.
Hai gói thầu kit xét nghiệm RT-PCR được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định mua của Công ty Việt Á vào thời điểm tháng 5 và tháng 6.2021. Thời điểm này, giá kit test của Công ty Việt Á do Bộ Y tế công bố chỉ có một giá là 509.000 đồng/test. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, việc mua sắm được thực hiện đúng quy định, quy trình, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau đó, tỉnh Bình Định mua máy nhập từ nước ngoài, mua kit test của đơn vị khác với giá rẻ hơn.
Bộ Công an làm việc với Giám đốc CDC Nghệ An về việc mua kit test của Công ty Việt Á. Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, ông Nguyễn Văn Định và kế toán của CDC Nghệ An đã ra Hà Nội theo đề nghị của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), để làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư, hóa chất của Công ty Việt Á.
Ông Trần Minh Tuệ, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, xác nhận thông tin trên, và cho biết, Sở cử ông Chu Trọng Trang, Phó giám đốc CDC Nghệ An, tạm thay giám đốc điều hành CDC nhằm đảm bảo cho trung tâm hoạt động bình thường trong thời gian ông Định vắng mặt. Như Thanh Niên đã thông tin, CDC Nghệ An đã mua vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á gồm 4 gói thầu, trong đó có 2 gói chỉ định thầu trị giá hơn 18,5 tỉ đồng và 2 gói đấu thầu rộng rãi.
TP.HCM phát hiện 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin, 3.918 người nhiễm Covid-19. Ngày 23.12, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo về công tác triển khai các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, tính đến ngày 22.12, sau 15 ngày rà soát, TP.HCM ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, phát hiện 24.420 người chưa tiêm vắc xin Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4,2%). Tất cả các trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 ngay cho nhóm người này.
Bên cạnh đó, qua xét nghiệm tầm soát, phát hiện 3.918 người nhiễm Covid-19 và đưa vào điều trị kịp thời ngay với thuốc kháng vi rút (Molnupiravir). Các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho người thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch, khi phát hiện F0, tiếp tục cho uống ngay liều kháng vi rút như trên.
|
TP.HCM phát hiện 24.400 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin Covid-19 |
300 nhân viên y tế tuyến đầu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) từng bị nhiễm Covid-19. Ngày 23.12, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên lần thứ XIX năm 2021. Tại hội thảo, đại diện Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có hơn 300 nhân viên y tế tuyến đầu bị nhiễm Covid-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân viên y tế nữ bị nhiễm Covid-19 tại bệnh viện cao gấp gần 2,5 lần so với nam giới, trẻ (dưới 35 tuổi), nhân viên làm công tác điều dưỡng chiếm 50,6%. Tuy nhiên, đa số ca bệnh không có bệnh lý nền đi kèm (80,2%), đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 (96,5%) và là người nguy cơ cao tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm (67,3%). Các nhân viên này khi mắc bệnh mức độ nhẹ (viêm đường hô hấp trên cấp tính) hoặc không có triệu chứng và sớm khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.HCM đang tổng kết 2 tuần thí điểm cho học sinh học trực tiếp. Chiều 23.12, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, đại diện Sở GD-ĐT đã thông tin về việc tổ chức học sinh lớp 9, 12 đi học trực tiếp sau 2 tuần thí điểm. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Y tế trong công tác tổng kết việc tổ chức học trực tiếp sau 2 tuần thí điểm, kết thúc vào ngày 25.12. Tuần sau, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ báo cáo với UBND TP.HCM về kết quả và tham mưu lộ trình tổ chức học trực tiếp từ ngày 3.1.2022. Từ ngày 13.12 - 25.12, khoảng 150.000 học sinh lớp 9, 12 trở lại trường học trực tiếp sau gần 4 tháng học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau 2 tuần thí điểm, Sở GD-ĐT và Sở Y tế cùng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện cùng TP.Thủ Đức sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và tham mưu UBND để quyết định mở rộng đối tượng học sinh học trực tiếp hoặc tổ chức cho toàn bộ học sinh đến trường từ ngày 3.1.2022.