vĐồng tin tức tài chính 365

Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ có ưu ái bộ kit/test của Việt Á?

2021-12-24 14:40

Tất cả đều im lặng!

Vụ Cty Việt Á "thổi giá” bộ kit/test đang có những diễn biến mà dư luận trước đó đã đoán được. Ngoài việc bắt tạm giam Tổng giám đốc Cty Phan Quốc Việt và Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương (CDC) Phạm Duy Tuyến cùng đồng sự, vụ án đang được khẩn trương mở rộng điều tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã mời ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An và một số cán bộ liên quan ra Hà Nội phối hợp làm rõ những thông tin liên quan đến vụ án gây chấn động dư luận này.

Dư luận đặt câu hỏi: Trước những hậu quả nghiêm trọng như hiện nay, trách nhiệm của Bộ KHCN và Bộ YT như thế nào? Cho đến hết ngày 23-12, Bộ KHCN vẫn im hơi lặng tiếng, dù công nhận những thông tin bộ kit test của Việt Á được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt là không chính xác. Còn Bộ YT có thông cáo báo chí ngày 21-12, trong đó khẳng định việc cấp phép cho bộ kit test của Cty Việt Á là đúng với quy chuẩn Việt Nam (VN) mà không đề cập đến vấn đề dư luận quan tâm là những thông tin sai lệch về chất lượng bộ kit test này. Vấn đề "định hướng" giá cả của bộ kit test, Bộ YT cũng tìm cách né tránh. Ngay cả với HVQY cũng cần làm rõ trách nhiệm trong vấn đề cho "trình làng" rầm rộ bộ kit test của Việt Á? Học viện này đã hợp tác thế nào với Việt Á? Bán bản quyền hay hợp tác nghiên cứu, lợi nhuận được phân chia ra sao... cũng chưa thấy phía học viện lên tiếng.

Bắt giám đốc CDC Hải Dương - Phạm Duy Tuyến (ảnh cơ quan điều tra cung cấp)

Trách nhiệm của các đơn vị nêu trên rất rõ ràng trong việc cho ra đời SP kit test của Cty Việt Á. Chính những thông tin sai lệch về chất lượng bộ kit test được công bố trong cuộc họp báo ngày 5-3-2020, trong đó khẳng định bộ kit test trên được WHO công nhận, "tương đương với bộ sinh phẩm do Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất" (trang web của Bộ KHCN đăng ngày 6-3-2020). Bộ KHCN cũng cho rằng, việc thông qua bộ xét nghiệm (XN) của Việt Á là một trong những thành công trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta.

Cũng trong thông tin trên, Bộ KHCN dẫn lời Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Quyết - Giám đốc HVQY - rằng, kết quả nghiên cứu của VN đã được gửi tới Vigology - một tạp chí quốc tế uy tín về virus học - và khẳng định: "Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với HVQY xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác".

Thực tế thông tin trên cũng sai sự thật, khi các nhà nghiên cứu cố gắng tìm kiếm dữ liệu nghiên cứu về bộ kit test của Việt Á nhưng không thấy. Và cho đến nay, trước áp lực của dư luận, các đơn vị liên quan cũng chưa công bố bất kỳ thông tin nào về quá trình nghiên cứu, các dữ liệu khoa học liên quan đến SP của Việt Á.

Tất cả đều im lặng, trong khi dư luận đang cần những thông tin minh bạch về SP này của các bên liên quan.

Bộ Y tế né tránh?

Từ khi mới ra đời bộ kit test của Cty Việt Á vào đầu năm 2020, nhiều quan chức cấp cao của Bộ YT đã ca ngợi về chất lượng bộ xét nghiệm (XN) về độ nhạy, độ đặc hiệu. Lãnh đạo Bộ YT luôn khẳng định "đây là lần đầu tiên VN có một sinh phẩm được đăng ký quốc tế, ngay khi bệnh dịch bùng phát ở quy mô toàn thế giới".

Với một "chiến dịch" tiếp thị, giới thiệu rầm rộ như vậy, báo chí trong nước đều đưa tin theo. Đáng nói ở chỗ, những thông tin "có cánh" của Bộ KHCN về bộ kit test Covid-19 của Bộ KHCN đã được gỡ xuống mà không một dòng đính chính, để các cơ quan truyền thông biết mà ứng phó.

Trong thông cáo báo chí chiều 21-12, Bộ YT khẳng định việc cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm Realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 của Cty Việt Á trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4-3-2020 để sử dụng trong XN sàng lọc đã đáp ứng nhu cầu XN "tại thời điểm khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới". Đến ngày 4-12-2020, Bộ YT có Quyết định số 5071 cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm XN này.

Như vậy, qua hơn 9 tháng sử dụng, Bộ YT vẫn không phát hiện được sai sót nào về việc đánh giá bộ kit test của Việt Á. Cũng trong thông báo trên, Bộ YT cho rằng mỗi quốc gia đều có chuẩn riêng và khẳng định việc cấp phép của Bộ YT đối với SP của Cty Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố. Còn việc lãnh đạo Bộ YT nhiều lần thông tin SP của Việt Á được WHO phê chuẩn, trong thông báo này đã bị lờ đi.

Liên quan đến giá kit test của Việt Á, Bộ YT dẫn quy định của Luật giá, trang thiết bị YT và sinh phẩm XN không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá, được xác định thông qua đấu thầu và giá các SP khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Bộ Y tế có "định hướng" giá?

Cứ cho là Bộ YT không liên quan gì đến giá cả SP của Cty Việt Á, vậy văn bản sau đây có "ý nghĩa" gì?

Ngày 2-7-2021, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình YT-Bộ YT đã có văn bản gửi sở YT các tỉnh, thành danh sách sinh phẩm/trang thiết bị chẩn đoán vitro XN virus SARS-CoV-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng cùng giá bán do đơn vị cung ứng công bố. Văn bản này nêu rõ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Cty Việt Á có giá 470.000 đồng/bộ. Lúc đó, Cty Việt Á cũng niêm yết giá công khai là 470.000 đồng/SP.

Với thông tin như vậy, nhiều CDC các tỉnh đã mua kit test của Việt Á với mức giá 450.000 đồng/SP, thậm chí có nơi còn mua hơn 500.000 đồng/SP. Các sở YT địa phương còn cho rằng, trước đó Bộ YT có văn bản giới thiệu cho sở YT các tỉnh, thành trên cả nước liên hệ mua, chứ không phải giá do Việt Á và khách hàng đàm phán.

Theo ông Huỳnh Hữu Dũng - Giám đốc CDC Long An, đơn vị này mua 10.000 kit XN của Cty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ YT có thông tin trên cổng thông tin của bộ. "Ban đầu hơn 400.000 đồng, sau đó có thời điểm lên hơn 500.000 đồng. Nói chung lúc đó kit XN này gần như độc quyền, lại cần gấp, mà bộ đã đưa ra thông tin vậy thì CDC Long An mua theo đúng quy định thôi. Sau này có đơn vị cung cấp kit XN giá rẻ hơn thì chúng tôi không còn mua của Việt Á nữa" - ông Dũng cho biết.

Giám đốc Sở YT Kiên Giang - Hà Văn Phúc cho biết, sở có mua kit test của Việt Á trị giá hơn 50 tỉ đồng. Theo ông Phúc, giá kit XN của Việt Á được Bộ YT công bố có thời điểm hơn 500.000 đồng/kit, có lúc là 470.000 đồng/kit. Tuy nhiên, ông Phúc thông tin sở đã đàm phán và mua SP của Việt Á chỉ 365.000 đồng/kit, rẻ hơn giá Bộ YT công bố. Hiện Bộ YT cũng chưa trả lời minh bạch về vấn đề này.

Dư luận đặt câu hỏi: Mức giá mà Bộ YT giới thiệu 470.000 đồng/kit test là đã được nâng khống, vậy căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá này và ai được phép định giá? Việc Bộ YT giới thiệu mức giá này cho các địa phương có phải chịu trách nhiệm?

Trong khi đó với thông cáo báo chí phát đi chiều 21-12, Bộ YT vẫn khẳng định đã thực hiện đúng quy định trong cấp phép và bảo đảm chất lượng các sinh phẩm XN Covid-19 đồng thời nhấn mạnh: Việc nâng khống giá bộ XN Covid-19 của Cty Việt Á là rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh.

Vậy đề nghị các cơ quan có trách nhiệm "xử lý nghiêm minh", làm sáng tỏ các vấn đề dư luận và báo chí đặt ra.

Ai "chống lưng" cho Công ty Việt Á "thổi giá” kit?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - đề nghị làm rõ thế lực nào đã "chống lưng" cho Cty Việt Á tham gia đấu thầu, cung cấp kit test Covid-19 với giá "trên trời"?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Ông Hòa cho rằng, qua vụ việc này cho thấy những đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh và chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test Covid-19 nhằm trục lợi rồi móc nối, chia phần trăm hoa hồng cho lãnh đạo CDC, các đơn vị YT, một số lãnh đạo nhận những khoản tiền lên đến vài chục tỷ đồng, hành vi phạm pháp như vậy cần phải xử lý nghiêm minh.

Cũng theo đại biểu này, nếu không có thế lực "chống lưng", Cty Việt Á không thể "thổi giá” kit test Covid-19. "Cơ sở nào, căn cứ vào đâu mà Bộ YT ban hành công văn cho 1 kit test có giá 470.000 đồng? Tại sao không nhập kit test nước ngoài với giá thành thấp hơn nhiều, trong khi WHO chưa công nhận kit test Việt Á?", đại biểu Hòa đặt câu hỏi.

Ông Phạm Văn Hòa đề nghị, ngoài Cty Việt Á, các đơn vị YT liên quan, cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành Trung ương có liên quan, trong đó có Bộ YT, Bộ KHCN, HVQY. Cụ thể, cơ quan chức năng cần làm rõ việc tổ chức đầu thầu đúng quy định chưa? Có "lợi ích nhóm" hay không? Và quan trọng là làm rõ Cty Việt Á trích phần trăm hoa hồng sau khi trúng thầu cho "anh A, chị B"... nào, như trường hợp Giám đốc CDC Hải Dương?

Ông Hòa cũng đề nghị đưa vụ án này vào diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Ông cũng nhấn mạnh, cần mở rộng điều tra với các đơn vị cung cấp kit test Covid-19 khác trên cả nước cũng như việc mua sắm trang thiết bị chống dịch ở 63 tỉnh, thành.

Xuân Nhân

Xem thêm: lmth.210521_a-teiv-auc-tsettik-ob-ia-uu-oc-ehgn-gnoc-coh-aohk-ob-et-y-ob/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ có ưu ái bộ kit/test của Việt Á?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools