Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Bút sắc thì “sắc” bây giờ phải cao hơn một mức
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Theo ông Đam, trong những thời khắc dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, gây quá tải hệ thống y tế, để xảy ra tử vong nhiều người thì tỉ lệ người dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước vẫn cao nhất thế giới. Có được điều đó một phần nhờ sự đóng góp rất quan trọng của công tác thông tin, truyền thông.
“Các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời phản ánh những tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cực kỳ cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam. Có những nhà báo, đằng sau là cả gia đình họ đã chịu nhiều vất vả trực tiếp, nhiều người bị nhiễm bệnh” – ông Đam nói.
Nói về việc sắp xếp quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng, đã làm được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, không thể nóng vội.
“Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân” – ông Đam nói và lưu ý điều quan trọng nhất là việc ra các chính sách quản lý, sau khi bàn rồi thì làm cho nghiêm, thực chất, cái gì không phù hợp thì kiến nghị bổ sung điều chỉnh, tránh tình trạng văn bản như vậy nhưng thực tế lại không phải vậy.
Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, trong năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị phải có tổng kết đánh giá, mục đích cuối cùng là để báo chí phát triển, tránh chạy theo thị trường quá mức làm lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
“Muốn báo chí tự chủ được thì phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng” – ông Đam nói và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để “đặt hàng” trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đó không nhất thiết phải là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động.
Để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, ông Vũ Đức Đam cho rằng khi đã cọ xát thì sẽ có vấn đề khác nhau, thậm chí có sự cố, điều duy nhất là minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể. Muốn vậy không phải đợi báo chí tiếp cận mà các cơ quan cần phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. “Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo” – ông Đam nói.
Liên quan đến chuyển đổi số trong báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng, điều rất quan trọng “dữ liệu là sống còn”, không chỉ cơ sở dữ liệu của mình mà còn là năng lực xử lý dữ liệu, không chỉ dữ liệu ngành quản lý mà của tất cả các bộ ngành khác. “Bút sắc thì “sắc” bây giờ phải cao hơn một mức, mà là nói có sách mách có chứng, phải bằng dữ liệu. Đấy mới là cái “sắc” trong số hóa” – ông Đam chia sẻ.
Theo ông Đam, một phóng viên đi tìm hiểu một vấn đề thì phải có một ekip đằng sau phân tích dữ liệu liên quan thì mới có tác phẩm báo chí trả lời được mong mỏi của công luận. Do vậy, ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.
Giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết trong năm nay, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Báo chí là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, báo chí đã tuyên truyền nhanh, kịp thời, chính xác và hiệu quả về Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng đảng, đối ngoại, văn hóa…
Đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình. Báo chí chú trọng nhiều hơn đến nêu gương người tốt việc tốt, các mô hình phòng chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Lâm nhìn nhận hoạt động báo chí vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sót. Đó là thông tin trên báo chí có nội dung chưa bao quát, toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội. Việc giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến.
Một số thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; còn chạy theo mạng xã hội ở một số vụ việc cụ thể.