Vết sẹo lóc da trên đùi bà Hà còn đau nhức, nhưng bà vui vì đã cứu được con - Ảnh: CHÍ CÔNG
Chái bếp trong căn nhà nhỏ lạnh tanh. Bà Võ Thị Thu Hà (62 tuổi, ở ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) lui cui lấy cái nồi treo chỏng chơ trên vách lá đơn sơ rồi bắc lên bếp nấu ăn. Món ăn hôm nay giản đơn chỉ có nhúm tép nhỏ ram mặn, nhưng là món ngon nhứt được bà Hà kho khô lại cho anh Thái Minh Phương, con bà, "bồi bổ trị thương" với chén cơm chuối xiêm chín rệu, thâm đen.
"Chỉ cần con được sống..."
Bẻ nhánh củi mục chụm vào bếp lò, bà Hà chùng giọng trải lòng: sau khi lập gia đình, bà cùng ông Lê Văn Dương (chồng) về ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên (Hòn Đất) sinh cơ, lập nghiệp. Ở đây, vợ chồng bà cùng với hai người con sinh sống bằng nghề buôn gánh bán bưng, cái nghề mà bà Hà cho rằng: "Ăn chưa hết hôm nay, đã lo cho bữa ăn ngày mai".
Thấu cảnh nghèo khó của gia đình, anh Phương cũng ra sức mần ăn đỡ đần cha mẹ. Ngoài đào đất, be bờ, vác lúa, anh cũng chạy vỏ lãi rong ruổi dọc theo những mé kênh, sông ở xã Sơn Kiên để đốn dừa nước phụ mẹ kiếm thêm ngót nghét 100.000 đồng mỗi ngày để đắp đổi đầy vơi chén cơm sáng chiều.
"Năm 2011, trong lúc đi mần, ông nhà tui bị tai nạn giao thông, sọ não bị chấn thương nặng. May mắn cứu sống được, nhưng ổng giờ lúc nhớ lúc quên. Tháng
11-2020, thằng Phương con tui đi đốn dừa nước bán thì không biết thế nào, máy vỏ lãi bị phực xăng, cháy đen gần hết mình..." - bà Hà xúc động nhớ lại những biến cố ập đến gia đình.
Hay tin con bị bỏng xăng nặng, vào Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, mà bà Hà đi như xác không hồn, chân tay bà run rẩy. Bị cháy xăng, gân chân Phương co rút, còng queo, da, thịt dính vào nhau, tiên lượng có thể tử vong, nên bác sĩ chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM điều trị.
"Bác sĩ bảo tui có tiền hông? Tui bảo có. Dù rằng trong túi tui lúc ấy hổng quá 500.000 đồng" - bà Hà nước mắt rưng rưng nhớ lại.
Nghĩ bụng còn nước còn tát, bà Hà van xin bác sĩ cứu lấy con mình. Hết tiền, bà có thể xin chính quyền địa phương bán đi căn nhà "tình thương" để ghép da cứu con. Tuy nhiên, bác sĩ bảo lấy da ai? Và ai đủ can đảm để cho anh? Có cho thì cơ hội anh lành cũng rất mong manh.
Nghe còn cơ hội, bà Hà mừng rơi nước mắt, nói lóc da của mình đắp cho con và bác sĩ cần lấy bao nhiêu cũng được. Nhưng ghép da cho con xong rồi, bà Hà lại không dám hỏi da mình có dính được vào chân của con không? Người mẹ nghèo sợ biết đâu... Đến khi nghe bác sĩ bảo thành công, bà mừng mà nước mắt cứ chảy tràn trên gương mặt khắc khổ.
Đến lúc đó, người mẹ mới cảm nhận nỗi đau từ vết thương trên đùi mới lóc da còn tứa máu của mình. Nhưng rồi bà kìm lại được, vì lòng yêu thương con của người mẹ hiểu rằng nỗi đau của mình chưa là gì so với người con đang phải giành từng hơi sự sống trong phòng bệnh.
Ông Bá trao tiền hỗ trợ mẹ con bà Hà - Ảnh: CHÍ CÔNG
"Mẹ đã sinh ra tôi lần nữa..."
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngót 4 tháng ròng và qua nhiều lần ghép đớn đau đến tận xương tủy, anh Phương đến nay cũng dần bình phục. Tuy nhiên, vết tích sau vụ phực xăng kinh hoàng ấy đã khiến cho đôi chân của anh Phương thẳng đơ, da căng bóng lưỡng, loang lổ vết sẹo, không thể nào đi lại được như người bình thường.
Một thời gian dài thương tật khiến anh mặc cảm, nghĩ quẩn. "Có lúc tui muốn chết đi vì đã bị tàn phế. Chân tui có chỗ còn lòi cả xương, thiếu thịt. Đi đứng bất tiện, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ một tay mẹ lo. Mẹ tui đã sinh ra tui thêm lần nữa. Nếu tui chết, chắc mẹ tui cũng không sống nổi".
Biết con buồn, bà Hà và ông Dương cố gắng an ủi con mình. Anh Phương cũng biết rằng cơ thể này được vậy là do mẹ anh bất chấp đớn đau lóc da, xẻ thịt mà cho. Và rồi bằng tình thương và sự hy sinh của mẹ, anh cũng gắng gượng vượt qua số phận, sống cho cha mẹ và sống cho mình.
Hiện mỗi ngày anh Phương cố gắng nén đau, lúc lắc chiếc xe lăn của nhà hảo tâm cho, để rong ruổi bán 100 tờ vé số. Dịch giã bủa vây nên cũng có bữa hết, bữa ế. Bán hết thì anh về sớm bên mẹ cha. Ế thì anh cố gắng lắc xe tìm khách.
"Hôm nào cầm được 100.000 đồng tiền lời trên tay tôi vui mừng lắm. Tôi phụ tiếp phần nào cho mẹ lo thuốc men, ăn uống..." - anh Phương trải lòng thêm mình còn phải sống để lo cho con thơ. Anh có đứa con ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" đang rất cần vòng tay người cha.
Chia sẻ về gia đình bà Hà, ông Phạm Văn Linh - trưởng ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên (huyện Hòn Đất) - cho biết gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng bà Hà sinh sống bằng nghề bán hàng rong nên thu nhập rất bấp bênh. Hằng tháng, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ gần 300.000 đồng tiền người cao tuổi. Số tiền ít ỏi đó cũng chẳng thấm vào đâu nên ngôi nhà của địa phương xây cất cho nay đã xuống cấp mà vẫn chưa có tiền để sửa sang.
"Gia cảnh bà Hà rất tội. Ông bà đã lớn tuổi, sức yếu nay phải lo thêm cho anh Phương nên đã khó lại càng khó hơn. Hiện địa phương cũng quan tâm và hỗ trợ gạo, mì để gia đình có cái ăn qua ngày" - ông Linh bày tỏ.
Anh Phương cố nén đau, lắc xe lăn đi bán vé số để đỡ đần mẹ cha - Ảnh: CHÍ CÔNG
Cảm phục đức hy sinh của người mẹ nghèo
Ông Lê Hoàng Bá - phó ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Sơn Kiên - cho biết khi hay gia đình bà Hà gặp nạn và khó khăn, đặc biệt là anh Phương bị bỏng nặng, ông và mọi người đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương được khoản tiền lo viện phí cho anh. Ông Bá tâm sự chỉ có mẹ mới dám hy sinh cho con như vậy. Hiến da đau đớn lắm, nhưng bà Hà đã vượt qua. Và chỉ sau 7 ngày sau khi mổ lóc da cho con, bà lại cố lết chân vẫn còn tứa máu để chăm sóc con.
Mẹ bán chuối chiên, cha bán vé số
Nghèo và bao biến cố ập đến gia đình, nhưng bà Hà chưa bao giờ cho phép mình gục ngã. Ngày ngày bận rộn "đầu tắt mặt tối", nhưng vợ chồng bà vẫn sắp xếp công việc chu toàn lo cho con.
4h sáng mỗi ngày, bà Hà dậy nấu cơm nước cho cả gia đình. Đến 7h sáng, bà lại rửa vết thương, tắm rửa, lau mình cho con. Sau đó, bà mới chuẩn bị bột, chuối, rồi đạp xe ra trụ sở ấp Tà Lóc bày biện bán bánh chuối chiên. Còn ông Dương thì đạp xe hàng chục kilômet để bán 100 tờ vé số mỗi ngày. Nhưng cũng có ngày, ông phải bù lỗ làm mất vé số, vì nhớ nhớ quên quên sau tai nạn giao thông.
"Tui với ổng ngày kiếm cũng hơn 100.000 đồng. Số tiền này tui mua tép, cá, thịt cho con ăn. Tui ăn sao cũng được, húp nước cũng qua bữa à. Ổng ăn chay, tương chao, rau luộc cũng xong. Vợ chồng tui ráng kiếm được đồng nào lo trị chân cho con đồng đó" - bà Hà vừa tâm sự vừa bưng cơm cho con ăn.
TT - Không đành lòng nhìn con gái quằn quại vì bỏng, ông xin các bác sĩ lóc da mình để cứu chữa cho con. Câu chuyện cảm động về sự hi sinh của người cha dành cho đứa con - cô gái đang chuẩn bị thi đại học thì tai họa xảy ra...
Xem thêm: mth.55764952242211202-noc-uuc-ad-col-oehgn-em/nv.ertiout