Robot “công tố viên" AI có khả năng đưa ra cáo buộc với độ chính xác lên đến 97% của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trao đổi với báo South China Morning Post (SCMP), giáo sư Shi Yong - giám đốc phòng thí nghiệm big data của Học viện Khoa học Trung Quốc, người đứng đầu dự án này - cho biết: “Kế hoạch chế tạo và phát triển robot “công tố viên" AI là nỗ lực giảm tải khối lượng công việc của các công tố viên, cho phép họ tập trung vào những vụ án phức tạp hơn”.
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống hành pháp không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, so với các công cụ AI hiện hữu, robot “công tố viên" AI do nhóm giáo sư Shi phát triển là robot đầu tiên được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định liên quan đến tố tụng hay đưa ra cáo trạng cuối cùng nhờ khả năng phân tích vụ án với độ chính xác lên đến 97%.
Theo nhóm nghiên cứu, việc có thể đưa ra những cáo buộc một cách chính xác đòi hỏi robot phải có khả năng đánh giá và loại bỏ các tiểu tiết không quan trọng mà không ảnh hưởng đến những thông tin có giá trị trong vụ án như một công tố viên thực thụ.
Robot “công tố viên" được “đào tạo" nhờ tiếp nhận thông tin từ hơn 17.000 vụ án từ năm 2015 - 2020. Đến nay, robot có thể đưa ra cáo trạng với độ chính xác cao đối với 8 loại hành vi phạm pháp thường thấy nhất ở Thượng Hải, bao gồm: gian lận thẻ tín dụng, vận hành đường dây đánh bạc, lái xe ẩu, cố ý gây thương tích, cản trở người thi hành công vụ, ăn cắp, gian lận và gây rối trật tự nơi công cộng.
Giáo sư Shi cho biết tương tự như các thiết bị AI khác, robot “công tố viên" AI có thể tiếp tục cải thiện khả năng đưa ra cáo buộc sau những đợt “đào tạo" khác trong tương lai. “Dự kiến robot “công tố viên" sẽ có khả năng tham gia vào những vụ án phức tạp hơn và đưa ra nhiều cáo trạng hơn đối với một nghi phạm cụ thể”, giáo sư lạc quan cho biết.
Tuy nhiên, thành tựu của dự án phát triển robot “công tố viên" AI vẫn nhận về những ý kiến trái chiều từ dư luận.
“Độ chính xác 97% là rất cao nếu xét từ khía cạnh công nghệ, nhưng luôn có khả năng xảy ra nhầm lẫn. Vậy ai sẽ nhận trách nhiệm nếu có sai sót? Công tố viên, robot này hay người thiết kế thuật toán?”, báo SCMP trích lời một công tố viên ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, bày tỏ quan ngại.
Ngoài ra, báo The Korea Times cũng nhận định robot “công tố viên” AI có thể đưa ra cáo trạng dựa trên kinh nghiệm trước đó nhưng khó có khả năng lường trước phản ứng của dư luận trước những vụ án phức tạp trong môi trường xã hội thay đổi liên tục như ngày nay.
TTO - Hệ thống mới ở thành phố Bucheon của Hàn Quốc sẽ sử dụng các thuật toán AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích video được ghi lại bởi hơn 10.820 camera an ninh, từ đó theo dõi chuyển động của người mắc COVID-19.