Hãng tin AP ngày 26-12 dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo phương Tây cần nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của Nga đề ra trong bản dự thảo hiệp ước an ninh tám điểm đã được công bố. Ngược lại Moscow sẽ buộc phải tiến hành các biện pháp "quân sự - kỹ thuật" để chống lại sự xuất hiện của ngoại quốc trên "sân nhà của Nga".
"Chúng tôi không công bố bản dự thảo hiệp ước đó chỉ để cho phương Tây chặn đứng, mà là để hướng tới một kết quả ngoại giao cụ thể với văn bản pháp lý mang tính ràng buộc. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo an ninh lâu dài cho người dân Nga" - ông Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn báo chí ở Điện Kremlin hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS
Khi được hỏi cụ thể những biện pháp nói trên là gì, ông Putin không nói rõ nhưng cho biết các lựa chọn lúc này đang rất "đa dạng" và sẽ tùy thuộc vào những đề xuất mà các cố vấn quân sự đưa ra cho ông.
Về nội dung của dự thảo hiệp ước, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và khí tài khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997 - gồm Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan.
NATO cũng phải ngừng mở rộng hiện diện quân sự về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và ngừng các cuộc diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Caucasus nếu chưa có sự đồng ý từ Nga.
Theo ông Putin, việc NATO kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí đến nước này là lằn ranh đỏ mà Moscow sẽ không bao giờ cho phép phương Tây vượt qua bởi nó là mối đe dọa quá lớn tới an ninh quốc gia Nga.
"Chúng tôi không còn đường lui. Họ có thể triển khai tên lửa tới Ukraine và bắn tới Moscow chỉ sau 4-5 phút. Họ đã chạm tới lằn ranh cuối cùng mà họ không thể vượt qua được nữa. Đã tới lúc Nga phải lên tiếng buộc phương Tây phải dừng lại" - ông Putin khẳng định.
Nhà lãnh đạo này sau đó cũng tái xác nhận thông tin giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có một cuộc hội đàm về tình hình căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine vào tháng 1-2022 ở TP Geneva (Thụy Sĩ).
Một số cuộc đàm phán khác về vấn đề này giữa Nga và NATO cũng sẽ được triển khai trong tháng 1 với sự hỗ trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).