Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Một loạt địa phương phải giãn cách xã hội thời gian dài, sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn nhưng ngành thuế vẫn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021, nhiều doanh nghiệp đánh giá "quá xuất sắc". Để tổng số thu đạt trên 1,5 triệu tỉ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ nhiều chính sách tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với người nộp thuế.
Tính đến cuối tháng 11, cơ quan thuế đã miễn, giảm 3.500 tỉ đồng tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân cho hộ và cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 19.700 tỉ đồng...
Tuy nhiên, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề "nếu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập thì kinh doanh có lãi đâu mà được hưởng lợi". Ông cũng đánh giá: "Bộ Tài chính chưa tích cực lắm... Các anh ấy nói thế giới không làm thế nhưng ý kiến Ngân hàng Thế giới là có. Chúng tôi đã đưa tài liệu cho Bộ Tài chính rồi nhưng các đồng chí nói Việt Nam không làm được".
Năm 2022, khó khăn vẫn còn đó. Theo ông Hồ Đức Phớc, "gói kích cầu miễn, giảm thuế năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội gấp 3 lần năm nay. Theo ý kiến của Quốc hội, dự kiến gói miễn, giảm thuế hơn 60.000 tỉ đồng".
Chưa có thông tin cụ thể nhưng đây là tin vui với nhiều người nộp thuế. Trong gói hỗ trợ mới, nhiều ý kiến vẫn đề nghị Quốc hội, Chính phủ giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương. Vì suốt hai năm qua họ mong chờ mà chưa được hỗ trợ. Nếu chỉ giảm thuế cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà chính sách kích cầu chưa đủ thì hỗ trợ chưa thật trọn vẹn, đạt hiệu quả cao nhất! Hỗ trợ thuế VAT, thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cần đủ ý nghĩa và thủ tục đơn giản.
Khoan sức dân lúc này là vô cùng cần thiết. Nói như tiến sĩ Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, là không nên "nhất bên trọng, nhất bên khinh", tức là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, nhưng sao lại bỏ quên người làm công ăn lương?
Bao năm qua, cứ sau mỗi lần miễn, giảm thuế để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, tổng số thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm nay do tình hình COVID-19, nhưng mới 11 tháng, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã vượt 7% so với kế hoạch năm, ước đạt 120.000 tỉ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, bên cạnh việc hỗ trợ người nộp thuế, cần có giải pháp để bịt những địa chỉ gây thất thoát ngân sách. Đó là các công ty ma để mua bán hóa đơn. "Một năm chúng ta hoàn thuế hàng trăm ngàn tỉ đồng, trong số này thất thoát bao nhiêu?" - ông Phớc nói và điều này cũng đặt ra câu hỏi cần ngành thuế giải đáp trên thực tế: có chặn được tình trạng mua bán hóa đơn khi toàn quốc thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022?
Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với các hoạt động của các "ông lớn" như Facebook, Google, YouTube, kinh doanh trên không gian mạng... liệu có được đảm bảo thu đúng, thu đủ?
Nếu trong năm 2021 ngành thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở việc thu vượt chỉ tiêu rất lớn thì năm 2022, kỳ vọng các chính sách thuế sẽ hài hòa, thúc đẩy phát triển. Muốn vậy, cần khoan sức thực chất cho khu vực cần giảm gánh nặng để phục hồi, vừa ngăn chặn được thất thu, tránh được khả năng tham nhũng, cưa đôi tiền thuế nhà nước.
TTO - Nhiều người làm công ăn lương cho hay mệt mỏi với thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và đề nghị trong dịch bệnh, cần giảm thuế này để đảm bảo công bằng.
Xem thêm: mth.28731001072211202-cas-taux-auq-euht-hnagn/nv.ertiout