Anh Phương xoay xở làm cả hai việc cùng lúc để có thêm tiền trang trải và yên tâm về quê ăn Tết bên gia đình - Ảnh: DIỆU QUÍ
Dù vất vả, họ vẫn vui vì được đi làm lại và đường về quê hình như đã rất gần...
Thời điểm cuối năm đại dịch nặng nề này, những lao động ngoại tỉnh ở TP.HCM đang "vắt chân lên cổ" làm việc, thậm chí có người cố làm thêm hai, ba việc để bù lại lúc thất nghiệp, mất thu nhập. Ai cũng mong xoay xở được ít tiền, dù là nhỏ nhoi, để ngày Tết được quây quần trong hơi ấm gia đình sau một năm đầy bất an.
Anh Phương từng làm tài xế chở khách và giao hàng cho một hãng xe công nghệ. Trước dịch, chịu khó chạy từ sáng tới tối mịt, mỗi ngày anh kiếm khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Tháng 7 khi TP.HCM bùng dịch, như nhiều shipper khác, anh chịu thất nghiệp.
Tôi chưa biết mình có thể mua được gì cho ba mẹ và lì xì em gái hay không, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức lúc này. Tết được về nhà là vui lắm rồi. Có hết tiền thì qua Tết làm lại.
Anh Trần Văn Minh
"Chạy sô" nhiều việc cuối năm
Thời điểm mấy tháng dịch giã căng thẳng, vợ anh Phương là chị Thùy Trang, cô công nhân ngành sản xuất Khu chế xuất Tân Thuận, cũng ngừng việc tạm thời vì công ty đóng cửa nghỉ dịch, thông báo khi nào công nhân đi làm trở lại sẽ hỗ trợ lương thất nghiệp.
"Lúc đó tụi tui cũng muốn về quê ở Kiên Giang, nhưng mấy năm nay toàn làm ở Sài Gòn, mỗi năm về có mấy ngày Tết. Giờ về không có cục đất chọi chim lấy gì sống, nên thôi ở lại chờ đợi" - anh Phương trải lòng.
Hồi tháng 8, cả dãy trọ trong đó có hai vợ chồng anh Phương bị nhiễm COVID-19 nên càng không dám về. "Vừa mắc bệnh, thu nhập lại giảm mà không biết chừng nào hết dịch, vợ chồng tui không dám nghĩ tới chuyện Tết nhất" - chị Trang cho hay.
Lay lắt qua ngày, từ khi TP.HCM mở cửa đầu tháng 10, anh Phương chuyển sang làm shipper cho một doanh nghiệp chuyên giao hàng. Ngoài ra, nhờ người quen giới thiệu, anh còn nhận giao hàng gửi về từ nước ngoài.
"Giao cái đó (hàng quốc tế - PV) mỗi ngày hai đến ba tiếng buổi sáng thôi, kiểu như làm thêm, còn lại thời gian trong ngày tui giao cho khách đặt trên ứng dụng" - anh Phương nói và cho biết nhờ đó mà mỗi ngày anh có thể kiếm được gần bằng số tiền mà anh vừa chở khách vừa giao hàng trước dịch, sau khi trừ các chi phí khấu hao.
Và nói vui như chị Trang, để Tết này "có thêm hộp bánh, nồi thịt kho hột vịt", sau khi trở lại nhà xưởng đầu tháng 10 đã được hỗ trợ lương lúc nghỉ làm, chị cố gắng "cày cục" thêm nhờ tăng ca và trông đợi khoản thưởng Tết 2 triệu đồng.
Giống chồng phải làm thêm việc, chị Trang cũng nhập thêm khẩu trang y tế về bán qua Facebook. Số lượng chị bán không nhiều, song thu nhập hiện tại từ mấy nguồn cũng tạm để họ có thể tính về ăn Tết cùng con, biếu họ hàng và sắm sửa chút gì đó cho bản thân.
Chạy hai việc cùng lúc cũng là cách chị D.Ngân (ngụ quận 7) chọn để "chốt sổ" một năm quá đặc biệt này. Cô gái quê Đồng Tháp cho biết hiện đang thực hiện "2 jobs" (công việc), trong đó job chính là làm tại phòng truyền thông của một trường đại học, việc phụ là viết content (nội dung) cho các trang báo điện tử.
Ngân nằm trong số gần 19 triệu người bị giảm thu nhập trong quý 3-2021 do COVID-19. Mấy tháng TP.HCM bùng dịch và giãn cách xã hội, Ngân được làm việc việc tại nhà song lương bị giảm 50%.
Tuy vậy, cô gái 25 tuổi thấy may mắn vì ít ra vẫn còn việc để làm và có khoản tiết kiệm phòng thân. Từ khi TP chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thu nhập của Ngân đã ổn định lại. "Thưởng Tết thì tôi chưa nghe nói, nhưng mọi năm mức thưởng theo luật của Nhà nước" - cô nói.
Giống vợ chồng anh Phương, Ngân cũng cố gắng "cày" hết sức để yên tâm về quê ăn Tết. "Cuối năm là thời điểm thích hợp chạy nhiều job để có thêm thu nhập. Ngành mình tìm thêm việc bên ngoài cũng không khó nên cố xếp thời gian để làm thêm dù hơi vất vả tí. Tôi làm fulltime (toàn thời gian) ở chỗ làm cũng đã mất 10 - 12 tiếng/ngày, thời gian trống còn lại luân phiên làm thêm này kia để kiếm thêm. Cố gắng hết sức cuối năm và bù lại lúc bị giảm thu nhập vì dịch bệnh" - Ngân chia sẻ.
Năm nay, Ngân sẽ về quê vào khoảng 27 - 28 Tết, dù từng bị giảm thu nhập nhiều tháng song Tết này cô có thể sắm sửa trong nhà.
Ngoài chạy xe công nghệ, anh Minh cố gắng bán thêm buổi tối để Tết nhất được về bên cha mẹ - Ảnh: DIỆU QUÍ
Miễn được về bên cha mẹ là vui rồi!
Anh Trần Văn Minh (ngụ quận 4) cũng "cày cuốc" khi Tết nhất đang đến rất gần và sau 4 tháng thất nghiệp. Quê nhà cách TP.HCM gần 100km, chàng trai Bình Phước một mặt chăm làm với mong mỏi về bên mẹ cha dịp Tết, mặt khác anh lo lắng vì quê nhà hiện số ca nhiễm đang tăng cao.
"Nhà tôi tiêm đủ hai mũi vắc xin rồi. Hy vọng từ đây tới Tết, ở TP và quê nhà bớt dịch, mình cũng ráng kiếm thêm một ít về quê" - anh nói. Trước dịch, anh Minh làm phục vụ quán hải sản với thu nhập tạm ổn, đủ để bản thân chi tiêu và gửi một ít phụ gia đình. Nhưng đến tháng 6, nơi anh làm việc trả tháng lương cuối rồi đóng cửa và... không hẹn ngày tái ngộ.
Anh Minh là một trong số hơn 1,3 triệu người thất nghiệp ở độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 (theo Tổng cục Thống kê). Bó gối trong nhà trọ 15m² nóng hầm hập được một tháng, chịu không nổi nữa, anh rải đơn xin việc khắp nơi và phải vay mượn bởi tiền tiết kiệm đã cạn.
Đầu tháng 10 này, chàng trai 26 tuổi cũng từng muốn hòa vào dòng người hồi hương bằng xe máy để tránh dịch và tìm kế sinh nhai khác nhưng rồi lại nghĩ "thôi ráng thêm chút nữa coi sao". Khi TP bắt đầu mở cửa, anh Minh đăng ký làm tài xế chở khách và giao hàng cho một hãng xe công nghệ.
"Thu nhập cũng ổn nhưng do quá nhiều người đăng ký chạy sau dịch giống tôi nên trừ chi phí xăng cộ, hư hao, cơm nước ra cũng không còn bao nhiêu, nếu tiết kiệm hết mức thì cũng chỉ có thể dư tí xíu", anh nói. Hai tháng nay được người quen cho vay thêm, anh Minh lấy vài loại cá viên chiên về bán trước nhà buổi tối, ban ngày vẫn gắn bó với công việc chính.
Có ngày bán được ngày không, nhưng anh vẫn lạc quan vì ít ra còn có đồng ra đồng vào với hai đầu việc. Tết này anh không mua sắm gì cho bản thân, chỉ đem sửa cái xe máy bởi nó là cần câu cơm và cũng là phương tiện về quê ăn Tết.
Với anh Minh, Tết là dịp đoàn viên sau hơn nửa năm không về. Ba mẹ ngày càng lớn tuổi nên anh muốn được ở bên nhiều hơn, dù sau một mùa Tết có thể anh phải cố gắng làm lụng và dành dụm lại từ đầu.
Mong ước được ôm con
Chị Lê Thị Thảo (bán hàng rong khu vực quận Bình Thạnh) cũng nỗ lực hết mình vào dịp cuối năm và hồi hộp chờ ngày về quê để ôm hai con vào lòng. Chị quê Bình Định, vào Sài Gòn mưu sinh đã 5 năm. Mấy tháng hàng rong bị ngừng vì dịch, chị mất thu nhập, không thể gửi về quê nuôi con, phải nhờ ông bà ngoại phụ giúp.
Giờ được bán lại, chị Thảo lấy thêm hàng, cố nán lại bán đến đêm để "đỡ được đồng nào hay đồng nấy" thay vì dọn về lúc 9h - 10h tối như trước. Người phụ nữ 37 tuổi chỉ có mong ước giản đơn, đó là dịch giã ổn định và những người xa quê như chị được về nhà với gia đình, sắm cho hai con bộ đồ mới ăn Tết.
TTO - Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa ban hành thông tư 18 quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi với người lao động làm công việc sản xuất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng, trong đó tăng thời gian làm thêm.
Xem thêm: mth.34225729072211202-ceiv-ab-iah-meht-mal-cus-tav/nv.ertiout