Người dân mang hoa đến nhà thờ St. Georges ở thành phố ở Cape Town, Nam Phi hôm 26-12. Đây là nơi Bức tường tưởng niệm Desmond Tutu được dựng lên sau tin ông Tutu qua đời - Ảnh: AFP
Hôm 26-12, Tổng giám mục Desmond Tutu, biểu tượng chống chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) ở Nam Phi, chủ nhân Nobel hòa bình, đã qua đời ở tuổi 90 tại trung tâm chăm sóc Oasis ở thành phố Cape Town, Nam Phi.
Ông Tutu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt từ cuối những năm 1990. Trong các năm gần đây, ông đã phải nhập viện nhiều lần để điều trị.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden cho biết họ rất "đau lòng" khi hay tin ông Tutu qua đời.
"Sự dũng cảm và đạo đức trong sáng của ông Tutu đã giúp truyền cảm hứng cho cam kết của chúng tôi trong việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với chế độ apartheid ở Nam Phi" - vợ chồng Tổng thống Biden cho biết trong thông cáo của Nhà Trắng.
Tổng thống Biden và phu nhân Jill Biden bình luận: "Ông Desmond Tutu đã đi theo tiếng gọi của trái tim để tạo ra một thế giới tốt đẹp, tự do và bình đẳng hơn. Di sản của ông vượt qua các biên giới và sẽ còn được truyền lại qua các thời đại".
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama gọi ông Tutu là "một người thầy, người bạn". Ông Obama cho biết Tổng giám mục Tutu không chỉ đấu tranh cho công lý ở Nam Phi, mà còn quan tâm đến sự bất công ở khắp nơi.
"Ông Tutu sẽ không bao giờ đánh mất khiếu hài hước và sự sẵn sàng tìm kiếm nhân tính bên trong những kẻ thù của mình. Tôi và Michelle (vợ của ông Obama) sẽ nhớ ông rất nhiều" - ông Obama chia sẻ trên Twitter.
Cuộc đời Tổng giám mục Desmond Tutu - Video: SKY NEWS
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói về Tổng giám mục Tutu: "Ông ấy là một nhân vật quan trọng trong cuộc chiến chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid và trong cuộc đấu tranh tạo ra một đất nước Nam Phi mới. Ông sẽ được ghi nhớ vì vai trò lãnh đạo tinh thần và khiếu hài hước của mình".
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết Tổng giám mục Tutu là "một người yêu nước không ai sánh bằng". Còn Quỹ Nelson Mandela cho biết ông Tutu là "một con người phi thường".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ "vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Tổng giám mục Desmond Tutu - nhân vật đấu tranh vì hòa bình, công lý, tiếng nói của những người vô danh, và truyền cảm hứng cho mọi người ở khắp mọi nơi".
Ông Desmond Tutu là ai?
Ông Desmond Tutu sinh năm 1931 trong một gia đình nghèo ở Klerksdorp, Nam Phi. Ông là người da đen Nam Phi đầu tiên làm tổng giám mục Cape Town ở quốc gia này.
Trong sáu thập niên, ông Desmond Tutu là một trong những tiếng nói quan trọng nhất kêu gọi Chính phủ Nam Phi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở nước này. Ông đoạt giải Nobel hòa bình năm 1984 vì những cống hiến cho phong trào chống apartheid.
Sau khi chế độ apartheid chấm dứt vào đầu những năm 1990 và ông Nelson Mandela trở thành tổng thống Nam Phi, ông Tutu được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Sự thật và hòa giải của Nam Phi.
Ông Mandela là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu và cũng là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cho biết trong những thập niên gần đây, Tổng giám mục Tutu tiếp tục đấu tranh nhiệt thành cho nhiều vấn đề quan trọng của thời đại như nghèo đói, biến đổi khí hậu, nhân quyền và HIV/AIDS cùng những vấn đề khác.
TTO - Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ngày 26-12, Tổng giám mục Desmond Tutu, biểu tượng chống phân biệt chủng tộc ở quốc gia châu Phi này và từng đoạt giải Nobel hòa bình, đã qua đời ở tuổi 90.
Xem thêm: mth.6470449072211202-cot-gnuhc-teib-nahp-gnohc-gnout-ueib-gnouht-ceit-ioig-eht/nv.ertiout