Bị cáo Nguyễn Văn Tứ đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 27-12, phiên tòa xét xử cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội bắt đầu phần thẩm vấn. HĐXX cách ly bị cáo Chung để xét hỏi các bị cáo khác.
Trong phần trình bày khoảng 20 phút, bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu chánh Văn phòng Thành ủy, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội - hơn 3 lần dùng từ quyết liệt để nói về thái độ chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung. Bị cáo Tứ còn biện minh thời điểm đương chức cựu chủ tịch Hà Nội, ông Chung "như ông trời", bị cáo là cấp dưới nên phải làm theo.
"Bị cáo Chung như ông trời"
Bị cáo Tứ khai Sở Kế hoạch - đầu tư có quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu rộng rãi gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố" năm 2016. Có 6 đơn vị tham gia và dự kiến sở này sẽ mở thầu vào ngày 16-5.
"Trước khi đóng thầu, bị cáo nhận được 2 cuộc điện thoại của ông Chung chỉ đạo quyết liệt dừng 2 gói thầu này. Ông Chung gọi 2 lần vào tối 15-5. Sáng hôm sau khi Sở chuẩn bị họp giao ban, bị cáo tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ ba của ông Chung. Chủ tịch chỉ đạo dừng thầu vì cho rằng quá trình đấu thầu, Sở làm một số công việc chưa đúng quy định và yêu cầu đưa công nghệ mới vào gói thầu số hóa này", bị cáo Tứ khai.
Theo cựu giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, trước giờ mở thầu "chúng tôi đã làm hoàn toàn đúng quy định và đủ điều kiện mở thầu". Tuy nhiên việc mở thầu đã phải dừng lại vì "sự chỉ đạo quyết liệt từ ông Chung".
"Tôi là cấp dưới chịu sự chỉ đạo của chủ tịch nên trước sự chỉ đạo quyết liệt đó tôi thấy rằng không còn cách nào nên phải dừng thầu… Khi dừng thầu, Sở đã gửi thông báo cho thành phố biết việc dừng theo chỉ đạo của chủ tịch chứ không phải ý chí mong muốn của chúng tôi", bị cáo Tứ phân trần.
Bị cáo Tứ thừa nhận việc dừng mở thầu là không đúng quy định pháp luật nhưng do nhận thức "không có nguy cơ gây thiệt hại vì để áp dụng công nghệ mới" nên đã làm theo chỉ đạo của chủ tịch. "Nếu biết gây thiệt hại như kết luận điều tra thì chắc chắn chúng tôi không dừng mở thầu".
"Ông Chung là cấp trên có tính cách quyết liệt, quyết đoán. Đến bây giờ bị cáo Chung vướng hết vụ án này vụ án kia nhưng năm 2016 ở TP Hà Nội, ông Chung như "một ông trời", bị cáo Tứ khai đến đây thì bị chủ tọa ngắt lời vì "khai lan man".
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Giám đốc sở nhận quà tết 300 triệu từ ông chủ Nhật Cường
Bị cáo Tứ khai sau khi UBND TP có văn bản đồng ý cho tiếp tục tổ chức đấu thầu, ông Chung yêu cầu sở tổ chức buổi làm việc với công ty Nhật Cường, nghe về công nghệ số hóa mới.
Tại buổi làm việc này, Nhật Cường cho biết làm thử nghiệm miễn phí, đảm bảo số hóa toàn bộ hồ sơ. Từ sự can thiệp của ông Chung, Công ty Nhật Cường đã được "dọn đường" để thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên kết quả thực hiện thí điểm cho thấy Công ty Nhật Cường mới hoàn thành phần số hóa, chưa đính được tài liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Tứ một mực khẳng định "làm công tâm", suốt quá trình triển khai gói thầu "không có bất cứ một ai tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp về gói thầu, duy nhất nhận chỉ đạo từ ông Chung".
Tuy nhiên khi chủ tọa truy về việc nhận quà từ Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Nhật Cường thì bị cáo Tứ thừa nhận "từng nhận quà tết".
"Trước Tết nguyên đán 2016, Huy đến chúc tết, vào phòng tôi nói năm nay làm ăn được nên có tí quà tết biếu anh. Tôi nói luôn không nhận phần trăm mà chỉ bảo yêu cầu nhà thầu làm tốt gói thầu. Bùi Quang Huy nói đây là quà biếu tết không liên quan gói thầu nên tôi nhận. Sau này tôi về xem thì biết trong gói quà có 300 triệu và chai rượu", cựu giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư khai.
Biện minh cho việc nhận tiền trên, bị cáo Tứ nói: "Một phần tôi nghĩ theo truyền thống văn hóa Việt Nam và Nhật Cường còn kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngày Tết họ đến chúc thì tôi nhận còn thực ra tôi luôn luôn cẩn trọng. Khi khởi tố vụ án nhìn nhận lại tôi mới thấy Huy không đơn thuần như vậy. Tôi thấy rằng không nên nhận số tiền đó nên đã khai báo với cơ quan điều tra".
Là người thứ 2 trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Tiến Học - cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - thừa nhận có ký một số quyết định trong việc mời thầu, đấu thầu gói thầu số hóa.
Theo ông Học, ngày 16-5, bị cáo Hường và Tuyến có tham mưu cho bị cáo tạm dừng gói thầu theo chỉ đạo của giám đốc sở. "Vì chỉ còn 4-5 phút đóng thầu, nếu bị cáo không ký ngay là vi phạm kết luận của giám đốc. Vì thời gian quá gấp nên tôi đọc lướt qua rồi ký luôn", ông Học nói.
Cũng theo ông Học, việc quyết định dừng thầu là thẩm quyền và chỉ đạo của giám đốc sở. Ông không rõ có nhà thầu nào kiện cáo gì tới UBND TP hay không nên trước mắt ký quyết định dừng gói thầu, sau mới biết là chủ tịch Hà Nội muốn đưa thêm nhà thầu vào.
Cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết ngày 4-8, Nhật Cường có công văn xin làm thử thì sở báo cáo TP rồi cho làm. Kết quả làm thử mới xong phần số hóa, phần quan trọng nhất là đính kèm tài liệu lên hệ thống của Bộ Kế hoạch - đầu tư thì không làm được.
TTO - Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo liên đới bồi thường 221 tỉ đồng là không phù hợp, đề nghị tòa phúc thẩm buộc Công ty Nhật Cường phải bồi thường khoản tiền này.