Theo số liệu mới nhất của công ty dịch vụ tài chính Refinitiv Lipper, số vốn đổ vào các quỹ tập trung vào các vấn đề ESG đã chạm mức cao kỷ lục 649 tỷ USD trong năm nay tính đến ngày 30/11, tăng mạnh so với các con số 542 tỷ USD và 285 tỷ USD ghi nhận lần lượt vào năm 2020 và 2019. Các quỹ ESG hiện chiếm 10% tài sản của các quỹ trên toàn thế giới.
Cổ phiếu của các công ty được đánh giá cao cho những nỗ lực thúc đẩy tính bền vững của họ cũng tăng giá. Chỉ số MSCI World ESG Leaders, chỉ số theo dõi hoạt động trên thị trường cổ phiếu của các công ty được đánh giá cao nhất về các vấn đề ESG, đã tăng 22% trong năm nay, trong khi chỉ số MSCI toàn cầu (MSCI World Index) chỉ tăng 5%.
Theo Viện đầu tư bền vững, sự ủng hộ đối với các đề xuất về xã hội và môi trường tại các cuộc họp cổ đông của các công ty Mỹ đã tăng từ 21% năm 2017 và 27% năm 2020 lên 32% trong năm nay.
Ông Tim Smith, quản lý cấp cao của công ty quản lý đầu tư Boston Trust Walden, đã so sánh mức ủng hộ trên với tỷ lệ ủng hộ đối với một trong những đề xuất chính sách xã hội doanh nghiệp sớm nhất, vào năm 1971, khi chỉ có 1% cổ đông của General Motors ủng hộ đề xuất rút công ty này khỏi thị trường Nam Phi do các chính sách xã hội phân biệt chủng tộc của nước này tại thời điểm đó.
Bên cạnh đó, giới chức các nước cũng đã đưa việc minh bạch thông tin về các vấn đề ESG trở thành một ưu tiên trong quản lý. Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) đã yêu cầu các công ty quản lý tài sản trình bày các phân loại ESG mà họ sử dụng cho các quỹ của mình. SEC cũng được dự đoán sẽ ban hành hướng dẫn về minh bạch thông tin doanh nghiệp trong các vấn đề ESG, như lượng khí thải carbon.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua quy định về phân loại đầu tư bền vững để xác định hoạt động nào có thể được công nhận là thân thiện với môi trường. Các quy định này sẽ được áp dụng cho một số lĩnh vực ở Liên minh châu Âu (EU) ngay từ tháng tới.
Theo Lipper, trong số 6.100 tỷ USD nguồn vốn ESG, 59% được nắm giữ ở châu Âu Trung Đông và châu Phi, cho thấy khu vực này đã sớm nắm bắt xu thế đầu tư trên. Dòng vốn ESG tại châu Âu đã giảm tốc trong năm 2021, nhưng bù lại, nguồn vốn này tại Mỹ và châu Á lại tăng tốc trong năm nay.
Năm nay chứng kiến nhiều chiến thắng lớn đối với các nhà đầu tư quan tâm đến các vấn đề ESG, trong đó có việc thay thế ba giám đốc tại tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, quyết định bác bỏ đề xuất lương trị giá 230 triệu USD cho Giám đốc điều hành của General Electric Co Lawrence Culp, và việc kêu gọi thành công công ty đường sắt Union Pacific công khai các số liệu về sự đa dạng trong lực lượng lao động.
Xem thêm: mth.78611101272211202-gnuv-neb-ut-uad-eht-ux-auc-gnoc-hnaht-man-tom-al-1202/nv.zibmanteiv