Chia sẻ với VnExpress, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam nói, doanh nghiệp đã có một năm làm ăn nhiều thách thức vì Covid-19. Một trong những khó khăn được kể đến là các kế hoạch đầu tư, mở rộng thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và các cửa hàng chuyên doanh mới của Aeon gặp nhiều trở ngại do bệnh dịch.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam nói rằng, các kế hoạch này sẽ tiếp tục trong năm 2022.
"Năm tới, AEON Việt Nam sẽ tập trung mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với mô hình bán lẻ đa dạng bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hoá tổng hợp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh", ông nói.
Trước đó, hôm 25/12, tờ Nikkei cho biết, Aeon có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng mạnh so với chỉ 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay. Aeon cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500 m2. Ngoài ra, Aeon Mall, công ty con của Tập đoàn, có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.
Ông Furusawa Yasuyuki dự báo, trong năm sau, nếu dịch bệnh được kiểm soát và với những dấu hiệu tích cực của thị trường như hiện tại, kinh tế Việt Nam sẽ dần phục hồi và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
"Trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi", ông Furusawa Yasuyuki nói.
Việt Nam hiện là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á ở mức 9,2% một năm. Trong 10 năm tới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được dự báo tương đương với Thái Lan hiện nay. Tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam sẽ tăng mạnh, từ 36% lên 50% vào 2030, tỷ lệ kênh phân phối hiện đại cũng đạt mức 50%, từ mức 10% hiện nay. Bên cạnh đó, thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 24% một năm.
"Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ, doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này dự đoán gấp 3 lần", ông Furusawa Yasuyuki nói và khẳng định Việt Nam được xác định là thị trường trọng điểm cho việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Aeon.
Cũng theo Nikkei, nhiều tập đoàn bán lẻ Nhật Bản khác cũng có kế hoạch mở rộng ở Việt Nam. Đơn cử, Sumitomo Corp. có kế hoạch hợp tác với tập đoàn BRG Group để mở thêm các siêu thị nằm trong chuỗi FujiMart mang phong cách Nhật Bản tại Việt Nam. Chuỗi này hiện có 3 cơ sở tại Hà Nội.
"Trong thời kỳ dịch bệnh, các siêu thị đã thu hút một lượng lớn khách hàng vì họ tin rằng mua đồ ở siêu thị đảm bảo vệ sinh hơn", ông Keisuke Hitotsumats, người đứng đầu liên doanh chia sẻ.
Pan Pacific International Holdings, đơn vị điều hành chuỗi siêu thị Don Don Donki, đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 1.000 tỷ yen vào năm 2030, tăng gấp khoảng 6 lần so với năm tài khóa trước và có kế hoạch mở mới 10 cửa hàng tại Đông Nam Á, nâng tổng số lên 20.
Đức Minh