Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với các địa phương về dự án vành đai 3, vành đai 4 - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 29-12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với các địa phương về chuẩn bị đầu tư dự án vành đai 3, vành đai 4 tại TP.HCM. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thời gian qua, TP tập trung phòng chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị cho vành đai 3. Theo ông Mãi, các địa phương đã họp bàn và cho rằng phương án đầu tư PPP không khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài khoảng 28-29 năm.
Các địa phương thống nhất đề nghị cho chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, từ nguồn phục hồi kinh tế. "Nếu được thì ngân sách đầu tư toàn bộ cho vành đai 3, nhưng nếu khó khăn thì phân chia tỉ lệ", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ý kiến tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ
Ông Mãi nêu ý kiến đường vành đai 3 là đường rất huyết mạch, không chỉ thúc đẩy phát triển cho từng địa phương mà cho cả vùng trọng điểm phía Nam. Ông Mãi cho rằng đầu tư cho vành đai 3 là đầu tư có hiệu quả cao.
"Đầu tư cho vành đai 3 như chăm sóc cho con gà đẻ trứng vàng, mà không phải con gà bình thường mà là con gà cao sản nên sẽ đưa lại hiệu quả rất cao" - chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Út - chủ tịch UBND tỉnh Long An - các địa phương rất quyết tâm với dự án vành đai 3 và vành đai 4. Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối vùng các tỉnh phía Nam rất hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
"Với Long An, chúng tôi không thể nào phát huy được nguồn lực mà phải có sự liên kết nên vai trò của vành đai 3 và vành đai 4 rất quan trọng" - ông Út nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất nên tách riêng việc giải phóng mặt bằng khỏi dự án chung, giao cho các địa phương có thẩm quyền thực hiện. Bên cạnh đó, ông Út cho rằng vốn đầu tư cho vành đai 3 rất lớn, chắc chắn phải dùng đến ngân sách mới có thể đầu tư đồng bộ.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết vừa qua Chính phủ đã thông qua đề án phát triển đường cao tốc, mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc.
Tuy nhiên đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng 1.200km, tiến độ xây dựng cao tốc còn chậm, năm tới cần tập trung nguồn lực để đầu tư. Phó thủ tướng cho rằng các phương án triển khai xây dựng đường cao tốc cần đến nơi đến chốn, tránh tình trạng có tuyến đường triển khai hàng chục năm chưa ra được dự án.
Ông Thành khẳng định các dự án vành đai 3, 4 rất quan trọng, mở ra không gian phát triển cho TP.HCM và kết nối với địa phương. Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương tập trung cao độ, chủ động thực hiện dự án đường vành đai vì tiến độ đến nay còn quá chậm.
Với vành đai 4, giao cho UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện tuyến và cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Riêng về vành đai 3, Phó thủ tướng giao TP.HCM là cơ quan chủ trì chuẩn bị và trình dự án.
Về hình thức thực hiện, Phó thủ tướng cho rằng các địa phương cần rà soát kỹ, đoạn nào làm hình thức PPP được thì đề xuất, đoạn nào phải thực hiện bằng 100% ngân sách thì lên kế hoạch. Ông Thành đề nghị mời tư vấn để xem xét tổng mức đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng… để có phương án kỹ lưỡng.
Về tiến độ thực hiện, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo đến tháng 2-2022 phải trình phương án để hoàn tất thủ tục, đến khoảng tháng 4 trình Quốc hội xem xét.
Vành đai 3 dài 89km, vành đai 4 dài 197km là tuyến đường quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dù đã được quy hoạch từ lâu nhưng vành đai 3 hiện mới làm được một đoạn 16,3km tại Bình Dương, còn vành đai 4 chưa làm.
TTO - Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn vừa gửi Văn phòng Chính phủ góp ý kiến về phương án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM do UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng trước đó.