Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TÙNG ĐINH
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp, sáng 29-12.
Theo Thủ tướng, 2 đợt dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự ủng hộ của nhân dân thì kinh tế nước ta vẫn đảm bảo, thu đủ chi, tăng hơn so với năm 2020 và tăng trưởng dương.
"Trong thành tích chung này có sự đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp, tăng tưởng 2,85% đã góp phần chung vào tăng trưởng dương của kinh tế nước ta. Xuất khẩu ngành nông nghiệp tuy chỉ gần 50 tỉ USD nhưng sản phẩm này đa số là sản phẩm của Việt Nam nên đã tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của người nông dân" - Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là kinh tế biển. Ngành cũng chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng mà vẫn còn thụ động vào thị trường, thời tiết nhiều hơn, do đó cần nâng cao dự báo thị trường các sản phẩm.
"Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường nên các thị trường có biến đổi thì còn lúng túng, bị động. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế, ví dụ như nói đến hoa lan, người ta nghĩ đến Thái Lan, hoa tulip ở Hà Lan, cà phê ở Brazil…
Xuất khẩu còn mất cân đối như gạo xuất khẩu 3 tỉ USD nhưng nhập khẩu đậu tương, ngô tới 7,8 tỉ USD, do đó cần phải suy nghĩ, giải bài toán này" - Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết.
Xe dưa hấu nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: NAM TRẦN
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải đặt ra mục tiêu năm 2022 cao hơn năm 2021, "tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu phải hơn 50 tỉ USD" - Thủ tướng giao.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp cần coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch. Đồng thời rà soát kỹ về mặt thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững theo chiều sâu và phát triển dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
"Phải đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy, xây dựng nhiều thương hiệu mang tầm quốc gia, quốc tế. Nếu phụ thuộc vào một vài thị trường, khi có khủng hoảng thì rất dễ đứt gãy" - Thủ tướng nói và yêu cầu ngành nông nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực chế biến các sản phẩm nông sản, quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, tập trung vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.
Cho rằng việc ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc là câu chuyên muôn thuở, Thủ tướng cho biết tháng 9-10, sau hội nghị ASEAN, Thủ tướng đã có thư gửi thủ tướng Trung Quốc để ủng hộ các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và nhiều lần chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phải cải thiện mối quan hệ thương mại giữa hai nước.
"Cuối năm nào cũng có vấn đề, năm thì dưa hấu, năm thì thanh long..., vậy thì một mặt mình phải xây dựng thương hiệu để đi chính ngạch, hơn nữa phải chủ động làm việc giữa các tỉnh biên giới để thống nhất, tạo thông thoáng, nhất là vấn đề chống dịch COVID-19 giữa 2 nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ dẫn chứng trên, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư khoa học công nghệ, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã bao bì, nhãn mác sau thu hoạch.
TTO - Từ 1-1-2022, toàn bộ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc phải đăng ký và được hải quan Trung Quốc cấp mã. Nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp lớn của VN vẫn phải chờ. Họ đang lo lắng khả năng thiệt hại lớn.