Nhận định trên được đại diện VKSND Hà Nội nêu trong bản luận tội, công bố sáng 29/12, ngày làm việc thứ ba của phiên xét xử vụ án can thiệp đấu thầu sai quy định liên quan cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
VKS xác định hành vi của ông Chung "xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước làm ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND Hà Nội".
Thuộc cấp của ông Chung, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu chánh Văn phòng Thành ủy, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng,theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng tội danh với ông Tứ, VKS đề nghị phạt bà Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) 4-5 năm tù; Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) 36-24 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư) 5-6 năm tù; Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) 5-6 năm tù và Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Đông Kinh) 4-5 năm tù.
VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc Công ty TNHH Đông Kinh nộp lại 6,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính. Số tiền thiệt hại còn lại, khoảng 20 tỷ đồng, các bị cáo trong vụ án, ngoại trừ ông Chung, phải liên đới bồi thường.
Bản luận tội nêu sáng nay xác định, ông Tứ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Chung đã tạm dừng trái phép gói thầu số hóa doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo cho Công ty Nhật Cường làm thí điểm, tạo nhiều lợi thế để trúng gói thầu năm 2016 và 2017. "Bị cáo Tứ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, thuộc các hành vi bị Luật Đấu thầu nghiêm cấm", VKS nêu quan điểm
Hành vi của ông Tứ và bốn thuộc cấp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.
"Đây là vụ án có tính chất đồng phạm, các bị cáo đều trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò tương đương nhau. Chủ mưu là Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường, người đang bỏ trốn", VKS phân tích.
Trong hai ngày làm việc trước đó, ngoại trừ bị cáo Chung kêu oan, phủ nhận mọi cáo buộc, các bị cáo còn lại thừa nhận hành vi song cho rằng phạm tội do bị ông Chung tạo sức ép, do điều kiện khách quan.
Bị cáo Tứ phân trần, Sở chịu sự chỉ đạo của UBND thành phố, trực tiếp là ông Chung nên "không còn cách nào khác, biết sai vẫn phải làm" và "không nghĩ sẽ gây thiệt hại".
Đối chất với bị cáo Tứ, ông Chung cho rằng lời khai "hoàn toàn bịa đặt". Ông không quen biết Tổng giám đốc Nhật Cường, cũng không tạo điều kiện cho công ty này trúng thầu, thu lợi bất chính.
Trong hai ngày qua, phần lớn nhân chứng và các đơn vị, ban ngành được HĐXX triệu tập, đều vắng mặt.
Cáo trạng xác định, từ năm 2016 đến 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, thẩm quyền quyết định thuộc về Giám đốc Sở.
Nội dung email trao đổi giữa ông Chung và Bùi Quang Huy xác định, do đã đến thời điểm đóng thầu, Nhật Cường không kịp gửi hồ sơ dự thầu nên Huy đề xuất ông Chung "lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để có thời gian chuẩn bị" và giới thiệu một số công ty tham gia. Ông Chung với cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu.
Tham gia và bố trí "quân xanh", Nhật Cường nhanh chóng có được cả hai gói thầu nhưng đều bán lại cho Đông Kinh và hưởng lợi gần 20 tỷ đồng. Trong số này, Tổng giám đốc Nhật Cường dùng 9 tỷ đồng để biếu tặng và làm chi phí kinh doanh, 10 tỷ đồng chi cho hoạt động khác của công ty.
Sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Phiên xét xử đang tiếp tục với phần tranh tụng của 14 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Đây là vụ án thứ ba ông Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa. Trước đó, ngày 11/12/2020, ông Chung bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Ngày 13/12 vừa qua, cựu chủ tịch Hà Nội nhận bản án thứ 2, hình phạt 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.0649044-ut-man-4-3-ihgn-ed-ib-gnuhc-cud-neyugn-gno/ten.sserpxenv