An toàn thực phẩm là vấn đề nóng trong những dịp Tết đến xuân về, nhất là khi dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động mua bán và đảm bảo an toàn sức khỏe trước đại dịch COVID-19.
Trong tọa đàm "TP. HCM bảo đảm nguồn hàng giá cả ổn định dịp cuối năm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan kiến nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các điểm bán tự phát.
Ông cho biết, trong suốt quá trình dịch bệnh vừa qua, một số chợ, kênh bán hàng đóng cửa, từ đó đã phát sinh nhiều điểm bán hàng tự phát. Đến thời điểm này, một số điểm bán tự phát ấy vẫn còn trên địa bàn thành phố.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi đề nghị các ngành chức năng quản lý chặt hơn những điểm bán tự phát nêu trên", ông Dũng kiến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op lại chia sẻ các phương án đảm bảo an toàn phòng ngừa COVID-19 cho khách hàng khi mua sắm ở siêu thị dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó ngoài việc kéo dài thời gian mở cửa, hệ thống siêu thị cũng có thêm nhiều kênh mua sắm cho người tiêu dùng lựa chọn như mua sắm tại chỗ và tiếp tục duy trì phương thức đi chợ hộ, mua chung. Người tiêu dùng còn có thể mua sắm online thông qua website hay ứng dụng trên điện thoại với các phương thức thanh toán không tiếp xúc.
"Ngoài ra, hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị bạn để mượn sàn giao dịch tạo thành điểm giao dịch chung, một sàn phân phối các mặt hàng đến với bà con tại các kênh phân phối đó. Ví dụ như nhiều đơn vị kinh doanh khá tốt trên sàn phân phối này nhưng không có hàng hóa thực phẩm, hàng hóa thiết yếu thì Sài Gòn co.op sẽ cung ứng mặt hàng đó để hàng hóa đến tay bà con.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghĩ đến cách khách đặt hàng bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng sẽ phân phối, giao hàng đến nơi đó, kể cả vùng núi, hải đảo"- ông Đức chia sẻ.
Cũng trong vấn đề này, ngày 28-12 vừa quan, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đơn vị này đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2022.
Theo đó từ 28-12 đến hết ngày 12-3-2022, TP.HCM sẽ kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng thực phẩm Tết được sử dụng nhiều như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kiểm soát đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm Tết.
Ngoài ra, sẽ kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng còn thực hiện tuyên truyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Ban Quản lý ATTP còn kêu gọi người dân phòng ngừa ngộ độc rượu dịp Tết.