Chiều 29/12, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được phép trình bày phần tự bào chữa. Trước đó, ông Chung bị đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt từ 3-4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trình bày về chỉ đạo dừng thầu, bị cáo Chung cho biết, năm 2016, UBND TP Hà Nội và cá nhân bị cáo có 15 lần chỉ đạo liên quan đến số hóa nói chung và công nghệ thông tin. Trong đó, 7 lần chỉ đạo liên quan đến dừng thầu có văn bản, một lần chỉ đạo dừng chung toàn thành phố, 2 lần chỉ đạo về chủ trương bổ sung các yêu cầu vào "đầu bài" mở rộng quy mô dự án và yêu cầu về mặt kỹ thuật.
Thừa nhận việc 3 lần gọi điện cho cựu Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ để yêu cầu đình chỉ gói thầu số hóa năm 2016 của Sở này, bị cáo Chung dẫn một số quy định của pháp luật để chứng minh việc ông yêu cầu là đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
"Đây là một dự án công nghệ thông tin, Sở KH-ĐT nói đây là việc mua sắm tài sản, dù có cả 2 trường hợp thì tôi đều là người có thẩm quyền quyết định về chủ trương đầu tư dự án, việc mua sắm tài sản" - bị cáo Chung nói.
Theo ông Chung, cuối năm 2015, ông đã có yêu cầu dừng tất cả các dự án về công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội, sau đó yêu cầu bổ sung bằng Văn bản số 30 ngày 19/2/2016.
"Dự án chưa được thẩm định theo Quyết định 09 của UBND TP, chưa được thẩm định theo Quyết định 102 năm 2009 và Quyết định 714 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đúng tinh thần, dự án này là dự án cập nhật dữ liệu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo quy định, dự án này đều phải do Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định.
Trong trường hợp này, dự án là một tiểu dự án của một trong 63 tỉnh thành cập nhật lên thì phải chịu sự thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng tất cả các điều này không được nêu" - cựu Chủ tịch Hà Nội trình bày.
Nói về cuộc điện thoại thứ 3, bị cáo Chung cho biết, ông Tứ đề nghị được vận dụng các quy định của pháp để xử lý, dừng thầu nhằm mục đích không để các nhà thầu kiện và không để báo chí đăng vì ông Tứ mới lên làm Giám đốc Sở. Ông Chung có đưa ra các lý do đình chỉ thì ông Tứ ghi nhận một lý do đó là chưa cập nhật yêu cầu chỉ đạo tại Văn bản số 30 ngày 19/2/2016 và hồ sơ mời thầu, lỗi này đã được đề cập trong thông báo 641 ngày 30/5/2016.
"Còn 2 lý do thẩm định, thẩm quyền phê duyệt, tôi nghĩ hồ sơ toàn bộ có trong hồ sơ vụ án, việc này chỉ cần trưng cầu giám định là sẽ thể hiện ngay trình tự, thủ tục, lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt của Sở KH-ĐT có đúng hay không, có đúng trình tự không" - bị cáo Chung nói.
Cựu Chủ tịch Hà Nội cũng cho hay, tại tòa, bị cáo Tứ xác nhận 2 cuộc gọi vào tối ngày 15/5/2016 là đúng như ông nói. Còn từ trước đến nay, tại cơ quan điều tra, ông Tứ khẳng định 3 cuộc gọi ông Chung chỉ nói về công nghệ Nga, bây giờ ông Tứ rút lại chỉ còn cuộc gọi sáng ngày 16/5/2016 đề cập công nghệ Nga.
"Tôi khẳng định với HĐXX và với Viện Kiểm sát, hôm qua tôi đã nêu với tư cách là một con người, tôi khẳng định tôi không xem email của anh Huy (bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường - PV) để từ đó điện thoại cho anh Tứ, những nội dung của tôi điện thoại cho anh Tứ là hoàn toàn đúng như vậy. Hiện nay chỉ có đúng duy nhất lời khai của anh Tứ nói về công nghệ Nga" - bị cáo Chung nói trước tòa.
Theo ông Chung, sau này luật sư có đọc cho ông nghe nội dung email ngày 15/5/2016 mà bị can Bùi Quang Huy gửi cho mình, đại ý là một người khác gửi cho ông Huy, nhờ Huy nói với ông Chung dừng gói thầu ở Sở KH-ĐT 2 tuần để giới thiệu một công ty cho anh nào đó ở miền Nam, không phải nhờ cho Huy.
"Thực tế từ đó cho đến nay không có một doanh nghiệp nào khác nộp hồ sơ thầu sau khi dừng thầu ngày 16/5/2016 cả. Các hồ sơ sau đó đều do anh Tuấn (Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh - PV) bố trí "quân xanh", "quân đỏ" chứ không hề có ai mới" - ông Chung trình bày.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung sau đó cũng bác bỏ nội dung ông Nguyễn Văn Tứ nói về nội dung cuộc gọi sáng 16/5/2016 rằng ông Chung muốn đưa công nghệ Nga vào và đề nghị HĐXX ghi nhận quan điểm này.
Phúc Lâm