Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách từ ngày 1-1-2022. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho biết giai đoạn trước mắt chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Mỹ.
Nhiều nước chưa phản hồi
Trong văn bản vừa gửi đến bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết ngày 17-12, đơn vị có văn bản chính thức gửi tới các quốc gia, vùng lãnh thổ được Thủ tướng đồng ý nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Kể từ tháng 1-2022, các chuyến bay thường lệ đầu tiên đến Nhật Bản
sẽ được nối lại. Ảnh minh họa: VIẾT LONG
Kết quả, Nhật Bản đồng ý với đề nghị nối lại đường bay quốc tế thường lệ với Việt Nam. Cục Hàng không đã cấp phép bay cho Vietnam Airlines, VietJet Air và All Nippons Airways. Theo phép bay được cấp, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines sẽ thực hiện vào ngày 5-1-2022, VietJet Air và All Nippons Airways thực hiện chuyến bay vào ngày 6-1-2022.
“Các chuyến bay từ Nhật Bản chưa thể triển khai sớm hơn do các cơ quan Nhật Bản nghỉ lễ đầu năm mới, hành khách chưa thể thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định” - Cục Hàng không lý giải.
Tương tự, Singapore, Campuchia, Đài Loan cũng đồng ý nối lại đường bay. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép bay cho Vietnam Airlines, Bamboo Airways và VietJet Air đến các thị trường này với tần suất trung bình bốn chuyến/tuần. Tuy nhiên, thời gian bay đến các quốc gia này chưa có kế hoạch cụ thể.
Nguyên nhân là do ngày 23-12, Thủ tướng có Công điện 9406, trong đó yêu cầu hành khách nhập cảnh phải thực hiện test nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay. Do đây là yêu cầu mới phát sinh (ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế), Cục Hàng không phải tiếp tục đàm phán với các đối tác để bổ sung quy định mới này.
Song song đó, nhà chức trách hàng không còn phải giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện test trên cơ sở hành khách tự chịu chi phí. Cạnh đó, phải có thêm hướng dẫn về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính khi test nhanh.
Đến nay, Cục Hàng không chưa nhận được ý kiến chính thức từ nhà chức trách hàng không các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Chỉ riêng Thái Lan có văn bản đề nghị hai bên trao đổi trực tuyến về các nội dung Việt Nam đưa ra.
“Riêng Mỹ do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và đã được nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên việc trao đổi là không cần thiết. Hãng có thể triển khai ngay chuyến bay như kế hoạch” - Cục Hàng không cho hay.
Như vậy, để đảm bảo tuân thủ theo công điện của Chính phủ, trước mắt các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Mỹ. Hai quốc gia này đã tổ chức test nhanh tại sân bay. Các đường bay khác tiếp tục chờ sự đồng thuận trên nguyên tắc “có đi có lại”.
“Trường hợp các nước không đồng ý nối lại đường bay thì Việt Nam phải chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể lên phương án chở khách một chiều như hiện nay đang triển khai để đưa công dân mình về nước…” - lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Khó khăn đến từ TP.HCM và Hà Nội
Theo Cục Hàng không, hiện việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ đang gặp một số khó khăn đến từ các địa phương được lựa chọn nối tuyến. Cụ thể, TP Hà Nội đưa ra yêu cầu cách ly tập trung đối với các quốc gia đang có các ca bệnh COVID-19 biến thể Omicron.
“Nội dung này không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế, khác biệt với các nội dung đã được Cục Hàng không thông báo với đối tác nên ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ về Hà Nội như chỉ đạo của Thủ tướng…” - Cục Hàng không cho hay.
Bên cạnh đó, ngày 24-12, Sở Y tế TP.HCM triển khai hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh. Trong đó đề nghị Cảng vụ Hàng không yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách người nhập cảnh theo từng chuyến bay cho CDC ít nhất 24 giờ trước khi nhập cảnh, có đủ thông tin địa chỉ nơi lưu trú, cư trú tại Việt Nam.
Theo Cục Hàng không, hiện tại hành khách nhập cảnh đã phải khai báo điện tử tại các ứng dụng PC-COVID và IGOVN theo quy định, bao gồm cả thông tin cư trú, lưu trú sau nhập cảnh. Cục Hàng không cũng đã có hướng dẫn cho các hãng hàng không có trách nhiệm kiểm tra điều kiện y tế của hành khách trước khi lên máy bay theo quy định của Bộ Y tế.
“Do vậy, yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM sẽ gây khó khăn và không khả thi trong việc triển khai kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ” - Cục Hàng không nhận định.
Theo đó, nhà chức trách hàng không kiến nghị Bộ GTVT làm việc với UBND TP Hà Nội, TP.HCM, Bộ Y tế để thống nhất các quy định về phòng dịch. Đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân cần sớm có hướng dẫn tiếp nhận hành khách bị từ chối nhập cảnh nước ngoài.
Theo một chuyên gia hàng không, Bộ Y tế đã đưa ra quy định cách ly tại nơi cư trú ba ngày, tự theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh là phù hợp, Hà Nội không nên làm khác. Chưa kể thế giới ghi nhận biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh nhưng lại không gây bệnh nặng.
“Vì vậy, các địa phương cần thống nhất với hướng dẫn của Bộ Y tế, không nên mỗi nơi làm một kiểu gây khó khăn cho việc nối lại các đường bay” - vị chuyên gia này cho hay.•
Theo Cục Hàng không, người Việt ở châu Âu và Úc rất mong có chuyến bay thẳng để về Việt Nam ăn tết. Do đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục đàm phán với các đối tác để triển khai ngay kế hoạch chở khách vào Việt Nam từ các thị trường đã báo cáo là Pháp, Đức, Nga và Úc với tần suất bảy chuyến/tuần đối với mỗi thị trường. |