Trao đổi với PLO, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, Thành viên CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em TP) đã có những chia sẻ về trách nhiệm của người lớn khi trẻ em bị bạo hành.
"Ngày 27-12, Hội tiếp nhận trường hợp đứa bé ở thành phố lớn, sống trong chung cư cao cấp đã bị người tình của bố bạo hành rất nhiều lần. Nhưng trước đó không có cơ quan, đơn vị nào vào cuộc để giúp đỡ bé, dẫn đến hậu quả đáng tiếc" - bà Ngọc Nữ đau đớn nói.
Qua những thông tin, chứng cứ mà Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM có được, bé V.A. có vết thương cũ may ở trán đã lành, vết thương trên vai sưng mủ, nhiều vết bầm tím trên người.
"Cha ở trong nhà cùng bé, người cha làm gì mà không biết những vết thương bầm tím, sưng mủ trên cơ thể con?".
"Vết thương mủ trên vai là do lâu ngày không được chữa trị, dẫn đến sưng mủ".
"Vết may trên trán không biết là vì lý do gì, gia đình đưa đến bệnh viện nào, vết thương do dùng vật nặng đánh vào hay bị ngã như lời khai của người cha?".
"V.A. là trẻ em không có khả năng tự vệ, lệ thuộc vào cha. Chúng tôi nghĩ rằng những ngày trước khi bé mất, trận đòn, vết thương đã hành hạ bé đau đớn dẫn đến đến chết".
Đó là những nghi vấn đau lòng mà luật sư Ngọc Nữ đã chỉ ra với PLO.
Vì vậy, Hội chưa đồng tình với quyết định khởi tố tội hành hạ người khác đối với bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai). Bà Nữ cho rằng: "Nếu đã đưa ra khởi tố, chúng ta phải xét về nhiều phương diện, trên người bé đã có nhiều vết thương cũ và mới, ít nhất phải khởi tố tội cố ý gây thương tích dẫn tới chết người. Và hậu quả xảy ra là đã gây chết người.
Mong cơ quan thẩm quyền xem xét để giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đừng bỏ lọt tội phạm - những người có trách nhiệm phải giúp đỡ bé. Chúng tôi đề nghị đưa người cha vào để xử lý hình sự luôn".
Khi luật sư tiếp xúc với phụ huynh HS của lớp V.A. đang học, có phụ huynh kể đã nghe tiếng đập đồ, la lối của người nhà bé V.A. trong tiết Tiếng Anh. Nhưng điều này không được báo với Hội Phụ nữ địa phương để kịp thời ngăn chặn.
Vừa qua, ban quản lý chung cư khẳng định không ghi nhận bất kỳ phản ánh nào về việc bạo hành tại chung cư. Mặc dù trước đó hàng xóm của bé V.A trả lời với báo chí rằng đã nhiều lần báo với BQL về việc xảy ra bạo hành. Điều đáng tiếc là họ không báo với công an, Hội phụ nữ hoặc những tổ chức bảo vệ trẻ em, hay Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em - 111.
"Chúng tôi mong muốn rằng những người xung quanh đừng vô cảm, thấy có trẻ em nào hay bị bạo hành, gia đình nào hay cãi nhau nên lưu ý và báo cho tổ trưởng tổ dân phố, lực lượng dân phòng, Hội Phụ nữ địa phương. Hội phụ nữ sẽ báo cáo với công an để xử lý. Một trường hợp đáng tiếc đã xảy ra ở một chung cư, thành phố lớn. Huống chi là các khu trọ, các vùng sâu vùng xa, vắng vẻ hơn" - luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh.