Tưởng rằng con gái sẽ nhận được sự bù đắp tình cảm của cha nhưng chị H. không ngờ rằng con mình lại bị hành hạ, đánh đập dẫn đến tử vong trong chính sự "chăm sóc" của đấng sinh thành.
Đề nghị khởi tố "dì ghẻ" tội danh giết người!
Ngày 29-12, chị N.T.H (36 tuổi, mẹ cháu V.A) và anh N.Q.V (SN 1988, cậu ruột cháu V.A) cho biết, vừa có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị khởi tố đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội danh “giết người” thay vì tội “hành hạ người khác”. Trước đó, Trang đã bị Công an Q.Bình Thạnh khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng về hành vi bạo hành cháu N.T.V.A (8 tuổi), dẫn đến bé tử vong.
Cùng với việc đề nghị thay đổi tội danh đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, chị H. cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi phạm tội của ông N.K.T.T là ba ruột của bé V.A. Theo chị H. ông T. biết việc người tình hành hạ, đánh đập con ruột mình thời gian dài một cách độc ác, tàn nhẫn, dã man nhưng lại không có hành động can ngăn, báo cho chị và cơ quan chức năng.
Theo chị H., Công an cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh đối với Trang và ông N.K.T.T mới là công bằng cho bé V.A. Đồng thời, việc xử lý nghiêm minh sẽ đủ sức răn đe để xã hội không còn tái diễn những vụ việc đau lòng như vậy.
Trong đơn chị H. cho biết, chị và N.K.T.T kết hôn với nhau vào năm 2012. Đến năm 2013 có cháu V.A và năm 2015 có thêm một bé trai. Thời gian đầu, gia đình êm ấm nhưng từ khi T. quen biết với Võ Nguyễn Quỳnh Trang thì cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt.
Tháng 8-2020, vợ chồng chị H. ly hôn. Tòa quyết định chị được nuôi người con trai út, còn cháu V.A tòa tuyên ở với ba. Chị H cho biết từ khi ly hôn, số lần chị được thăm con đếm chưa đủ bàn tay vì bị ngăn cản. Lần gần nhất chị H. được gặp cháu V.A là vào tháng 12-2020.
Anh N.Q.V- cậu ruột của cháu V.A kể, có lần vì quá nhớ con nên chị H. tìm đến trường gặp cháu V.A thì cháu khóc nói: "Mẹ ơi! Mẹ không được đến thăm con đâu. Ba đã nói là mẹ không được gặp con mà”. Thấy mẹ khóc, bé V.A cũng khóc theo và nói: “Mẹ đừng khóc, con không muốn mẹ khóc đâu, mẹ đừng làm V.A buồn. Mẹ hứa với V.A là mẹ đừng bao giờ khóc nữa nha!".
Do bị ngăn cản nên suốt 1 năm qua chị H không biết được cuộc sống của con mình thế nào. Tất cả điện thoại và mạng xã hội để liên lạc với cháu V.A cũng bị chặn nên chị phải nhờ bạn bè để có thể nhìn con qua hình ảnh. Tưởng con sớm phải chịu thiệt thòi vì thiếu thốn tình cảm gia đình, sẽ nhận được sự bù đắp yêu thương từ người cha; nhưng chị H. không ngờ rằng người này còn chứng kiến nhân tình đánh đập, hành hạ con gái mình mà không có hành động chấm dứt sự việc bạo lực này.
Trưa 23-12, chị H. nhận được điện thoại của Công an Q.Bình Thạnh thông báo cháu V.A tử vong khiến chị tưởng như đất trời đổ sụp. Dù cơ quan Công an bước đầu xác định con chị tử vong do bị phù nề phổi, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím nhưng nhìn con với chi chít vết thương do bị đánh đập, đầu có vết rách bị cạo để khâu và vết sẹo cũ, nách trái nách phải bị bầm tím, mông có bầm tím khoảng lớn khiến chị H đau đớn như chết lặng.
Cần hoàn thiện mạng lưới bảo vệ trẻ em!
Liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi bị hạnh hạ dẫn đến tử vong, chiều 29-12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM có công văn số 55/CV-HBVQTE gửi UBND TP, Cục trẻ em – Bộ LĐTB&XH, Công an TP, Viện KSND TP về việc tăng cường các hoạt động can thiệp bảo vệ trẻ em.
Trong công văn, bà Mai Ngọc Mai – Chủ tịch Hội cho biết những ngày qua dư luận tại TP và cả nước nói chung hết sức bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ trước hành vi bạo hành trẻ em dẫn tới hậu quả hết sức nghiêm trọng làm tử vong cháu bé 8 tuổi ở P.22, Q.Bình Thạnh. Ngày 27-12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã nhận được đơn của mẹ cháu bé V.A tố cáo trực tiếp chồng cũ và Nguyễn Võ Quỳnh Trang có hành vi đánh đập dẫn đến cái chết của cháu V.A.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp sớm hoàn tất quá trình điều tra để chuyển sang truy tố và xét xử nghiêm minh trong thời gian nhanh nhất có thể. Trong đó, ngoài vai trò trực tiếp của Nguyễn Võ Quỳnh Trang cần tiếp tục làm rõ thêm vai trò, trách nhiệm của ông N.K.T.T (cha ruột cháu V.A) để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định pháp luật.
Việc xét xử cần công khai diễn biến và kết quả cụ thể trong khả năng có thể và luật pháp cho phép để người dân TP và cả nước được biết; qua đó nhằm truyền thông mang tính răn đe, làm bài học cho các đối tượng đã và đang có hành vi bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ em.
Bà Mai Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP cũng cho rằng bên cạnh tuyên truyền, chúng ta cũng cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, nhất là hệ thống các trung tâm tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em và mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp được đào tạo và thực sự được trao quyền để có đủ khả năng, năng lực bảo vệ trẻ em.
Xem thêm: lmth.862521_uc-gnohc-ot-yurt-ihgn-ed-gnov-ut-ah-hnah-ib-iout-8-eb-uahc-em/na-uv/nv.moc.nagnoc