Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội quý 4 năm 2021, sáng 29-12, tại Hà Nội. Số liệu cho thấy tăng trưởng GDP năm 2021 ước đạt 2,58%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Xét theo quý, GDP quý 1 tăng 4,72%, quý 2 tăng 6,73%, quý 3 giảm 6,02%, quý 4 tăng 5,22%, so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu GDP vừa mới công bố sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đây là câu hỏi được đặt ra trong talkshow Bí mật đồng tiền số 2 chủ đề "Lên tàu, xuống tàu" với ông Phạm Lưu Hưng- Phó giám đốc phân tích chứng khoán SSI.
Theo ông Hưng, số liệu thống kê cho thấy quý 4 có những tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế mặc dù tháng 10, 11 không mấy lạc quan. Đây là 2 tháng có tiêu dùng giảm sâu trong khi đây là trọng số chiếm tỷ trọng cao trong cách tính GDP. Số liệu quý 4 cho thấy sự hồi phục đồng đều cả tiêu dùng và xuất nhập khẩu. Mặc dù con số tổng quan không phải là cao nhưng các thành phần đều tăng cao và tích cực. Do đó thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực với thông tin này.
Với thông tin tích cực từ tăng trưởng GDP, liệu VnIndex có vượt mốc 1500 điểm trong thời gian tới hay không là điều được nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Hưng, với tình hình kinh tế quý 4 như vừa qua thì kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ cao hơn năm 2022. Chuyên gia này kỳ vọng xu hướng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong tương lai.
“Vượt được mốc 1500 là hoàn toàn có thể khi lợi nhuận doanh nghiệp tốt. Vượt được hay không phụ thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp”, chuyên gia này cho biết.
Những ngành có kết quả kinh doanh quý 4 tốt có thể kể đến như tài chính, chứng khoán, bán lẻ, vận tải biển. Về chỉ số VnIndex muốn tăng thì cần những nhóm ngành có tỷ trọng lớn như ngân hàng, bất động sản tăng.
Riêng với tháng 1, quan điểm của ông Hưng cho rằng thị trường sẽ tăng điểm do hiệu ứng tháng Giêng chứ không liên quan đến kết quả kinh doanh. Thống kê lịch sử cho thấy tháng Giêng là tháng có xác suất tăng điểm cao khi đã xảy ra 8/10 năm. Chỉ trong 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện thì tháng Giêng VnIndex mới giảm điểm. Một nguyên nhân nữa theo ông Hưng giải thích là liên quan đến việc các quỹ lớn sẽ giải ngân sớm vào tháng 1. Đây là những yếu tố mùa vụ khiến thị trường có khả năng tăng điểm trong tháng tới.
Nhận định về tháng 1, ông Hưng cũng nhắc lại về hiệu ứng Window Dressing xảy ra trong tuần giao dịch cuối cùng của năm.
“Tuần cuối năm thường khối lượng giao dịch sẽ nhỏ. Đến thứ 5, thứ 6 giao dịch sẽ nhiều hơn do kỳ vọng chốt NAV của quỹ. Điều này tạo ra cơ hội rất ngắn hạn cho các nhà đầu tư.”, chuyên gia đến từ SSI cho biết.
Nhà đầu tư kỳ vọng nhận được món quà từ các quỹ đầu tư vào giai đoạn này. Đây là hiện tượng các quỹ đầu tư có xu hướng vào cuối năm bán những cổ phiếu/khoản đầu tư sinh lời kém và mua những cổ phiếu tăng tốt trong năm đó để có một danh mục đẹp vào cuối năm.
http://tintuc.vdong.vn/12/1158346.htmThảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị