vĐồng tin tức tài chính 365

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn?

2021-12-30 18:16
Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 1.

Các bác sĩ, chuyên gia tham gia chương trình talkshow trực tuyến "Phác đồ hồi phục" - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sáng 30-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức talkshow trực tuyến "Phác đồ hồi phục" với chủ đề "Sống, làm việc an toàn với COVID-19". 

Chương trình có sự tham gia của các khách mời: ông Vũ Mạnh Cường, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế); GS Trương Nguyện Thành, GS Đại học Utah, Mỹ (tham dự trực tuyến từ Mỹ); TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn; bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm (nguyên trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1); bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA); MC Nguyễn Thanh Tùng (Tùng Leo).

Tiêm đủ vắc xin, 5K và miễn dịch cộng đồng

Mở đầu buổi talkshow, ông Vũ Mạnh Cường cho biết đã có hơn 148 triệu mũi vắc xin đã tiêm tại Việt Nam. Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới thông báo Việt Nam là 1 trong 52 nước đầu tiên đã đạt được mục tiêu tiêm chủng, tức đã tiêm 70% dân số. Đây là mục tiêu Việt Nam đã thực hiện, về đích trước 3 tháng theo dự báo.

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 2.

Ông Vũ Mạnh Cường, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông (Bộ Y tế), chia sẻ tại chương trình - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo ông Cường, mặc dù Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh nhiễm chủng Omicron và đang được quản lý, đây không phải là điều đáng quan ngại nếu người dân thực hiện tốt những quy định phòng chống dịch.

"Biến chủng Omicron hay bất cứ biến thể nào cũng lây qua đường hô hấp. Bệnh vẫn diễn tiến như vậy nhưng tốc độ lây lan có thể nhanh hơn. Tuy nhiên khi đã tiêm đủ vắc xin, thực hiện tốt khuyến cáo 5K thì chúng ta có cơ hội tiếp tục cuộc sống, làm việc, vui chơi bình thường mặc dù có dịch bên cạnh" - ông Cường lý giải.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chỉ khi miễn dịch cộng đồng an toàn mới hòa nhập an toàn. Bác sĩ Khanh cho biết thêm, miễn dịch an toàn nghĩa là có ca nhiễm nhưng không ảnh hưởng đến ai. Để đạt được điều này, cần lưu ý người mình tiếp xúc an toàn cho họ không, đối tượng nào, tuổi bao nhiêu, tình trạng tiêm vắc xin…

Ăn uống tăng đề kháng nhưng phải an toàn

Vấn đề dinh dưỡng cũng được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là gia đình người có ca nhiễm. TS.BS Trần Thị Minh Hạnh cho biết trước khi quan tâm ăn uống thế nào để tăng đề kháng cơ thể thì cần biết ăn sao cho an toàn. Để đạt được điều này, bác sĩ Hạnh khuyến cáo, trước khi bỏ khẩu trang để ăn uống, cần biết người xung quanh có an toàn không vì đây là lúc chúng ta gần gũi nhau nhất, thậm chí gắp chung thức ăn.

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 3.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh tư vấn vấn đề dinh dưỡng cho F0 và tăng cường đề kháng phòng dịch - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đồng thời, người dân nên hạn chế ăn bên ngoài khi thực sự không cần thiết. Khi mua thực phẩm cần dự tính trước và mua nhanh gọn, có thể mua thực phẩm ăn trong nhiều ngày, ưu tiên mua qua mạng. Khi tổ chức bữa tiệc nên hạn chế số người và phải biết những người ăn chung an toàn (có thể test nhanh COVID-19 trước bữa tiệc).

Còn để ăn uống tăng đề kháng, theo bác sĩ Hạnh, ăn uống không phải chỉ có đủ năng lượng mà còn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Vì thế cần ăn đủ bữa, ăn đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt tăng cường rau, trái cây, bổ sung sữa chua. Bên cạnh đó nên ra nắng buổi sáng, giúp cơ thể tổng hợp vitamin D rất cần thiết phòng chống bệnh COVID-19.

Đối với F0, đặc biệt là người có triệu chứng mất mùi, mất vị, thường ăn không cảm thấy ngon nên bà Hạnh cho rằng cần tự động viên bản thân cố gắng ăn để có sức khỏe.

"Nếu vẫn ăn không được, có thể thay thế sữa năng lượng cao, hoặc sản phẩm dinh dưỡng. Bên cạnh đó cần luôn uống đủ nước suốt cả ngày để giữ đường cổ họng không bị khô" - bác sĩ Hạnh chia sẻ.

Tinh thần lạc quan là điều quan trọng nhất

Bên cạnh dinh dưỡng, tinh thần lạc quan cũng được các khách mời nhắc đến rất nhiều giúp người mắc COVID-19 nhanh khỏi bệnh. Theo ông Cường, tinh thần lạc quan là yếu tố đầu tiên mà người F0 cần có bên cạnh dinh dưỡng, vận động cơ thể. Nếu F0 có tâm lý hoảng loạn thì bệnh dễ trở nặng hơn người có tâm lý vững vàng.

"Khoảng 80% ca bệnh COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ, vì vậy người bệnh cần hết sức bình tĩnh. Khi phát hiện dương tính cần liên hệ với y tế phường để nhận các túi thuốc A, B, C. Tôi tin rằng khi người bệnh làm đúng chỉ dẫn y tế phường sẽ khỏi bệnh nhanh chóng", ông Cường nói.

Còn theo bác sĩ Khanh, mắc COVID-19 cũng không phải điều quá xui xẻo vì đã có thuốc, y tế cơ sở, đường dây tư vấn… Không riêng COVID-19, mọi bệnh, đặc biệt là bệnh mới, nếu có tinh thần bình tĩnh đón nhận thì sẽ mau khỏi.

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 4.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ vấn đề tâm lý nếu phát hiện nhiễm bệnh - Ảnh: NGỌC HIỂN

"Có người đang bình thường nhưng khi test nhanh cho kết quả dương tính thì xỉu. Điều này cho thấy tất cả yếu tố thuộc tác động bên ngoài mà không tìm hiểu thấu đáo thì chỉ hại mình. Nếu không may nhiễm COVID-19, đón nhận bình tĩnh thì chắc chắn vượt qua khi làm đúng, hiểu đúng: ngủ đủ, nước đủ, ăn đủ, tinh thần lạc quan" - bác sĩ Khanh lấy ví dụ và khuyến cáo.

Từng tư vấn F0, bác sĩ Hạnh gặp nhiều trường hợp có cảm giác khó thở chỉ vì nghẹt mũi. Trước lo lắng người bệnh, bác sĩ Hạnh tư vấn tập thở theo hướng dẫn Bộ Y tế để quên biểu hiện này.

Là một F0 vào tháng 10-2019 tại Mỹ, sau đó trở về Việt Nam và chứng kiến diễn tiến tình hình dịch từ tháng 7 đến tháng 10, giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) cho rằng tinh thần cũng rất quan trọng. Khi nhiễm COVID-19, bên trong cơ thể "đang chiến đấu" với virus, vì thế cần làm sao để cung cấp đủ năng lượng cho hệ miễn dịch để chiến thắng virus. Để đạt điều này, người bệnh cần có tinh thần thoải mái, tự tin, tích cực, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng…

"Sợ hãi là điều làm cho con người bị tâm lý. Cần có niềm tin bản thân sẽ vượt qua hết cùng với ăn uống, nghỉ dưỡng, tập thể dục thường xuyên" - giáo sư Thành khuyên.

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 5.

Giáo sư Trương Nguyện Thành tham gia chương trình trực tuyến từ Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Tết này đoàn viên sao cho an toàn?

Trước câu hỏi của nhiều người về việc làm sao để ăn Tết cho an toàn, bác sĩ Minh Hạnh cho rằng cần hạn chế đến những chợ đông người vào dịp Tết, sắm vừa đủ, tiết kiệm hơn mọi năm, tránh dư thừa. Còn nếu phải về quê, bác sĩ Hạnh cho rằng cần test COVID-19 trước khi về, không nên tập trung đông người trong nhà cùng một thời điểm.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh lại cho rằng Tết này cần vui vừa đủ, Tết đoàn viên nhưng phải an toàn, tức là những cuộc chơi không cần thiết thì không nên đi. "Mình hãy đoàn viên với gia đình, đảm bảo an toàn cho gia đình mình, một số người bạn mình cảm thấy an tâm thì hãy đoàn viên, còn những lễ hội thì khoan tham gia đã để mình cảm nhận biến chủng Omicron này như thế nào đã" - bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, chúng ta không chỉ có riêng năm nay mới có Tết, mà còn năm sau và các năm sau nữa, thậm chí gần nhất là dịp lễ 30-4 tới đây, do đó khi dịch bệnh ổn, chúng ta sẽ tiếp tục vui chơi, giao lưu.

Doanh nghiệp đã tái sản xuất an toàn

phuc hoi 5

Bà Lý Kim Chi chia sẻ về tình hình các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm - Ảnh: NGỌC HIỂN

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đã tái sản xuất, đều tuân thủ an toàn y tế theo phương pháp vắc xin + 5K. Theo bà Chi, hiện nay gần như tất cả các công nhân đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, do đó tâm lý người lao động ổn định, an tâm hơn khi tham gia sản xuất.

Về việc tổ chức sản xuất, bà Chi cho hay các doanh nghiệp đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch, sản xuất một cách giãn cách theo từng tổ, nhóm để tránh lây lan dịch. "Trước đây có F0 là các nhà máy phải ngưng 11 ngày không sản xuất, nghỉ hàng loạt, còn hiện nay đã rút kinh nghiệm, sản xuất, sinh hoạt theo nhóm để nhóm này bị còn nhóm kia sản xuất, người lao động trong nhà máy an tâm hơn" - bà Chi nói.

Theo bà Chi, hiện các doanh nghiệp đều hợp tác với các đơn vị y tế cả công lẫn tư để khi có F0 trong nhà xưởng sẽ đưa đi điều trị hoặc một số doanh nghiệp, khu công nghiệp có điều kiện cơ sở vật chất sẽ lập các khu điều trị ngay bên trong.

Bên cạnh đó, bà Chi cũng cho hay các doanh nghiệp cũng đã thay đổi thói quen sản xuất khi trước đây dựa vào máy lạnh khiến dịch dễ lây lan, còn hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hệ thống thông gió, giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến sức khỏe công nhân, không ngại tốn kém để đầu tư cho bữa ăn, dinh dưỡng cho người lao động, thậm chí nước uống cũng là loại giúp tăng sức đề kháng.

Tuyển thêm công nhân, đảm bảo hàng hóa dịp Tết

Ông Shimada Shigeru - chánh văn phòng tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết chúng ta đang bước vào những ngày cuối năm 2021 và đón Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và đáng lo lắng. Theo ông, trong thời gian tới, dịch COVID-19 không thể biến mất hoàn toàn, chính vì vậy, việc tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh là điều rất cần thiết. "Nhiệm vụ mà Acecook đặt ra hàng đầu lúc này là phải vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường" - ông Shimada Shigeru nói.

Theo ông, để đảm bảo lượng lao động trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đã quán triệt các biện pháp phòng chống COVID-19 với toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, đẩy nhanh việc tiêm chủng đầy đủ và tiêm sớm mũi nhắc cho toàn bộ nhân viên dưới sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước.

Ông Shimada Shigeru nhận định trong thời điểm Tết, nhu cầu về hàng hóa sẽ tăng cao, việc thiếu hụt lao động sẽ làm giảm năng suất của nhà máy. Do đó, hiện nay chỉ tính riêng nhà máy ở TP.HCM thì doanh nghiệp này cần tuyển khoảng 200 lao động, đa số là công nhân sản xuất, vận hành, tính cho toàn công ty thì nhu cầu cần tuyển là khoảng 500 lao động để đảm bảo lực lượng nhân sự sản xuất và nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra.

"Để người lao động luôn yên tâm cống hiến, mang lại các giá trị đích thực thông qua những cố gắng và thành quả trong công việc, chúng tôi cũng luôn có các chính sách đãi ngộ tốt đối với người lao động, từ đó giúp người lao động tin yêu và gắn bó với công ty lâu dài. Cụ thể là về các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm, hoàn thiện hệ thống đánh giá và quản trị nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ công nhân tàu xe về quê ăn Tết, hay nhiều hoạt động công đoàn giúp nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân viên…" - ông Shimada Shigeru cho hay.

Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn? - Ảnh 9.

Các khách mời nhận hoa cảm ơn từ ban tổ chức talkshow - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau tập phát sóng đầu tiên với chủ đề chủ đề "Liệu trình cho kinh tế Việt Nam", tập 2 với chủ đề "Vaccine Kinh Tế: Giải bài toán nguồn lao động", tập 3 với chủ đề "Sống, làm việc an toàn với COVID-19",o Tuổi Trẻ sẽ phát sóng tập tiếp theo của Talkshow Phác đồ hồi phục với những vấn đề sát sườn với doanh nghiệp.

Các chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên các nền tảng online của Tuổi Trẻ, bao gồm Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube Báo Tuổi Trẻ.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.

Trực tiếp: Phác đồ hồi phục kinh tế, sống và làm việc an toàn với COVID-19Trực tiếp: Phác đồ hồi phục kinh tế, sống và làm việc an toàn với COVID-19

TTO - Chương trình talkshow “Phác đồ hồi phục kinh tế” tập 3 với chủ đề “Sống, làm việc an toàn với COVID-19”. Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện, được phát sóng trực tiếp vào lúc 9h30 ngày 30-12.

Xem thêm: mth.61930445103211202-naot-na-tet-na-ed-oas-mal-ek-nac-neiv-naod-aum-man-teiv-ned-norcimo-gnuhc-neib/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biến chủng Omicron đến Việt Nam, mùa đoàn viên cận kề, làm sao để ăn Tết an toàn?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools