Không phục hồi như kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đóng cửa tuần thứ 4 liên tiếp giảm điểm với thanh khoản suy yếu.
Phiên giao dịch cuối tuần 6-10, VN-Index tăng 14,65 điểm lên 1.128,54 điểm nhưng vẫn chốt tuần giảm 26 điểm, tương đương 2,25% so với tuần trước.
Tính chung 4 tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm một mạch từ vùng giá 1.250 điểm về sâu nhất tại 1.107 điểm, tức giảm tới 150 điểm trước khi hồi lên mức 1.128,54 điểm.
Nhiều nhà đầu tư vài tháng trước còn lãi lớn, giờ chuyển sang lỗ nặng. Một số nhà đầu tư vừa bán xong cổ phiếu đã quay lại mua "bắt đáy" ở những phiên thị trường giảm với kỳ vọng phục hồi, kết quả là mức lỗ ngày càng trầm trọng.
Đơn cử anh Hoàng (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vài tuần trước đã bán cổ phiếu NVL (Novaland) ở mức giá hơn 20.000 đồng/cp, khi giá rớt về vùng 18.000 đồng/cp anh mua lại vì nghĩ cổ phiếu đã chiết khấu đủ lớn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá cổ phiếu này không ngừng lao dốc còn chưa tới 14.000 đồng/cp, mất hơn 25% chỉ trong thời gian ngắn. Tài khoản của Hoàng sụt giảm cả trăm triệu đồng, chưa biết khi nào mới lấy lại được.
Anh Ngọc Thắng, một nhà đầu tư ở TP HCM, đã có nhiều năm tham gia thị trường. Ngày 2-10, thị trường dao động với biên độ hẹp, thanh khoản giảm, anh nhận định thị trường đã tạo đáy ngắn hạn nên mua lại một cổ phiếu bất động sản với tỉ trọng lớn. "Kết quả, dòng bất động sản giảm liên tiếp cả tuần khiến tôi lỗ cả tỉ đồng" - anh Thắng buồn bã nói.
Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong những ngày qua
Thống kê của Công ty chứng khoán SHS cho thấy nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực trong tuần qua khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%)... Đây cũng là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trên thị trường thời gian gần đây và mức hồi phục rất khiêm tốn so với những nhóm ngành khác.
Diễn biến trong ngắn hạn vẫn tiêu cực khi thị trường đang dò đáy, nhưng các công ty chứng khoán cho rằng tháng 10 vẫn còn cơ hội ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu với tầm nhìn từ nay tới cuối năm hoặc cho đầu năm 2024.
Trong báo cáo chiến lược tháng 10 vừa công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thời điểm này là mùa "đãi vàng" kết quả kinh doanh, diễn biến thị trường sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết.
Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy thị trường khó có mùa công bố lợi nhuận lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Do vậy, nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý III/2023 cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm phân tích VDSC, nhận định đối với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Những gì khó khăn nhất đã qua, song tốc độ phục hồi còn rất chậm và phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế.
"Trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng có lợi thế về vốn, khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất" - bà Phương Lam nói.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT, kỳ vọng bán lẻ hồi phục dần từ quý IV, giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ tốt hơn trong nửa cuối năm.
Cụ thể, Apple đã ra mắt dòng iPhone 15 và giao hàng từ cuối tháng 9. Các chuỗi bán lẻ đã cho phép đặt trước từ ngày 22-9 với số lượng đơn hàng tương đối tích cực như tại Topzone, số lượng đặt cọc iPhone 15 đã lấp đầy số lượng mở bán với 34.494 lượng khách đặt cọc, trong đó có hơn 80% là đặt cọc sản phẩm iPhone 15 Pro Max… Các tín hiệu tích cực này hứa hẹn cải thiện cho kết quả kinh doanh của các chuỗi bán lẻ sản phẩm công nghệ trong quý IV.