Việc áp các biện pháp phòng vệ thương mại đã hỗ trợ ngành mía đường trong nước hồi phục, nông dân ổn định sản xuất.
Đường ngoại bán phá giá "phá" đường sản xuất trong nước
Chia sẻ tại tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30.12, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho biết: Trước đây, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường, đến năm 2010 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động. Trong 30 nhà máy đang hoạt động, có tới 17 nhà máy thua lỗ và khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm. Điều đáng nói là 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan. Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15.6.2021, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3.2021 giảm tới 75%.
"Từ khi thực hiện các cam kết tại Hiệp định ATIGA từ 1.1.2020, thì ngay sau đó từ tháng 2.2020 đã có một lượng đường rất lớn, cao gấp đôi lượng đường trong nước từ vụ ép năm 2019-2020. Lượng đường vào lớn mà giá lại rất rẻ, chỉ xấp xỉ giá mà các nhà máy mua mía. Điều này khiến đường nhập khẩu làm chủ thị trường và “dìm” giá đường trong nước xuống rất thấp, khiến chuỗi nhà máy mía đường đứt gãy sản xuất do đường làm ra không bán được" - ông Nguyễn Văn Lộc thông tin.
Phòng vệ thương mại - "cửa thoát hiểm" cho doanh nghiệp sản xuất trong nước
Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay: Việc phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp đã giúp ngành mía đường phục hồi sau một giai đoạn dài bị thiệt hại nặng nề bởi các mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực được coi là có dấu hiệu gian lận thương mại.
Trong bối cảnh tự do hàng hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của các quốc gia ngày càng giảm xuống, đặc biệt khi Việt Nam và một số nước tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thì thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng được giảm, thậm chí còn được cắt bỏ hoàn toàn. Điều đó sẽ khiến cho mức độ cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước sẽ ngày tăng lên.
"Với các hoạt động cạnh tranh này, chúng ta có nhận thức chung là ủng hộ cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước để sử dụng tốt nhất nguồn lực quốc gia. Tuy nhiên, có một số trường hợp có hiện tượng hàng hóa nhập khẩu có hành vi cạnh tranh không công bằng, không sòng phẳng với hàng hóa trong nước gây thiệt hại cho các ngành sản xuất trong nước. Khi đó, những chính sách thuế nhập khẩu truyền thống sẽ rất khó điều chỉnh mức độ cạnh tranh về mức bình thường ban đầu do chúng ta đã bị ràng buộc bởi những cam kết cắt giảm thuế trong các cam kết tự do thương mại hóa mà chúng ta đã có.
Những trường hợp này đã được các tổ chức thế giới lưu ý và Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép các quốc gia thành viên được sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để có thể đưa ra được những biện pháp ngăn ngừa và hạn chế các hành vi cạnh tranh không công bằng, đảm bảo cho hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng" - ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lộc đánh giá, các biện pháp phòng vệ thương mại mà ngành Công Thương áp dụng cho ngành mía đường mang lại nhiều lợi ích, làm giảm tốc độ cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá được sản xuất trong nước tăng lên, cứu hàng loạt nhà máy mía đường và ổn định sản xuất cho hàng triệu hộ nông dân trồng mía.
Xem thêm: odl.561099-meih-taoht-coun-gnort-gnoud-aim-hnagn-iam-gnouht-ev-gnohp-euht-pa/et-hnik/nv.gnodoal