Chiều 30-12, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội kết thúc phần tranh luận.
Các bị cáo đã nói lời sau cùng. Tòa sẽ tuyên án vào hôm nay (31-12).
Cựu chủ tịch kể bệnh và mong sớm đoàn tụ gia đình
Lời sau cùng, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng đã “rút ra nhiều bài học sâu sắc” từ khi bị khởi tố và bắt giam: “Bị cáo ý thức rõ với cương vị chủ tịch UBND và trưởng Ban chỉ đạo công nghệ thông tin TP, phải chịu trách nhiệm về cả điều tốt và những tồn tại”.
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các bị cáo tại tòa.
Ảnh: UYÊN TRANG
Cựu chủ tịch Hà Nội cho biết đã hai lần mổ ung thư. Gần đây, căn bệnh tái phát. Do đó, bị cáo mong được HĐXX tạo điều kiện để chữa bệnh, sớm đoàn tụ gia đình để chăm lo cho cha mẹ già. Bị cáo Chung bị đề nghị 3-4 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng với hai bản án trước, bị cáo phải chịu hình phạt chung là 16-17 năm tù.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội (bị đề nghị 36-42 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng), cám ơn HĐXX đã cho mình được “giải tỏa, nói ra những trăn trở, băn khoăn mà giai đoạn điều tra chưa thể nói”. Bị cáo tin rằng HĐXX cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghe, đã hiểu lý do, hoàn cảnh, bối cảnh mà mình phải thực hiện những hành vi vi phạm.
Bị áo đã nhận tội, luật sư lại đề nghị tuyên vô tội! “Nếu suy nghĩ không phải bồi thường thì các bị cáo nộp tiền làm gì? Ngay buổi xét hỏi đầu tiên, các bị cáo đã nhận tội nhưng luật sư lại đề nghị tuyên vô tội, trái với ý chí của thân chủ. Các bị cáo xin HĐXX mức án “vừa nghiêm minh vừa nhân văn”, vậy là đã thừa nhận vi phạm” - kiểm sát viên phân tích. |
Bị cáo cũng cho hay những lời khai của mình về bị cáo Chung hoàn toàn trung thực. Bị cáo vì ý thức phải thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không vì mục đích vụ lợi. Thời điểm đó, bị cáo không thể lường trước được thiệt hại.
Ông Tứ nói từng có nhiều thành tích, mong được sớm trở về với gia đình và bù đắp những sai lầm.
Tương tự, các bị cáo còn lại đều bày tỏ sự ăn năn, mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, cho hưởng mức án khoan hồng nhất có thể.
Ba bị cáo khắc phục gần 4 tỉ đồng
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKS nhận xét đây là vụ án đồng phạm, thể hiện qua một chuỗi hành vi vi phạm về quy định đấu thầu, từ việc tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Chung dừng gói thầu số hóa trái quy định, đến việc các bị cáo tại Sở KH&ĐT can thiệp bất hợp pháp việc đấu thầu, tạo điều kiện cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.
Mục đích của việc tổ chức đấu thầu gói thầu số hóa là Sở KH&ĐT TP Hà Nội phải nhận được một sản phẩm tròn trịa, phát huy hiệu quả. Tuy việc số hóa đã hoàn thành nhưng việc đính dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia thì không thực hiện được.
“Thậm chí đến nay phát sinh một kho dữ liệu, phải bố trí thêm thiết bị để lưu trữ, rồi nhân công bảo trì, bảo dưỡng, chưa kể nguy cơ lộ lọt dữ liệu” - kiểm sát viên nhấn mạnh.
Đại diện VKS ghi nhận nhiều bị cáo đã khắc phục hậu quả: Bị cáo Nguyễn Văn Tứ nộp 1,5 tỉ đồng; bị cáo Võ Việt Hùng (giám đốc Công ty Đông Kinh) nộp 2,5 tỉ đồng; bị cáo Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) nộp 300 triệu đồng. Kiểm sát viên đề nghị HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện VKS cũng dùng chính nội dung này để phản bác quan điểm của các luật sư bào chữa trước đó khi cho rằng các bị cáo không có tội nên không phải liên đới bồi thường, hoặc bồi thường ít hơn mức đề nghị của VKS.
“Nếu suy nghĩ không phải bồi thường thì các bị cáo nộp tiền làm gì? Ngay buổi xét hỏi đầu tiên, các bị cáo đã nhận tội nhưng luật sư lại đề nghị tuyên vô tội, trái với ý chí của thân chủ. Các bị cáo xin HĐXX mức án “vừa nghiêm minh vừa nhân văn”, vậy là đã thừa nhận vi phạm” - kiểm sát viên phân tích.
Hưởng lợi nhiều nhất nhưng hiện “không còn tài sản” Đại diện VKS cho hay đây là vụ thứ hai liên quan đến Công ty Nhật Cường. Hiện nay, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc công ty) đang bỏ trốn; phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính thì đang thi hành án (trong vụ án buôn lậu được xét xử trước đó); công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động, cũng không còn tài sản gì… Theo cáo trạng, bằng các thủ đoạn thông thầu và lập khống hồ sơ năng lực, liên danh Nhật Cường - Đông Kinh lần lượt trúng hai gói thầu số hóa của Hà Nội với giá trị hơn 42 tỉ đồng và hơn 18 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng với Sở KH&ĐT, Bùi Quang Huy chuyển nhượng 100% nội dung công việc cho Công ty Đông Kinh. Như vậy, chỉ bằng việc “sang tay” hợp đồng, Công ty Nhật Cường hưởng chênh lệch khoảng 19 tỉ đồng. |