Tình hình Biển Đông trong năm 2021 tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến mới ở tầm quốc tế, khu vực và song phương, trên mọi mặt trận chính trị, ngoại giao, kinh tế và thực địa.
Năm 2021, Biển Đông đặc biệt chứng kiến sự tăng cường phối hợp về lập trường giữa các nước lớn, sự đẩy mạnh can dự cũng như phản ứng mạnh mẽ hơn đối với các động thái của Trung Quốc tại khu vực.
Mỹ tiếp tục lập trường cứng rắn
Về phía Mỹ, Washington trong năm qua đã khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về Biển Đông, trong đó công khai chỉ trích yêu sách chủ quyền và hành vi phi pháp của Trung Quốc, đề cao luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8 đã có chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á, cụ thể là tới Singapore và Việt Nam.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu khi đến thăm Singapore, bà Harris khẳng định Mỹ theo đuổi một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có lợi ích và cam kết lâu dài tại khu vực, đồng thời ủng hộ tự do hàng hải tại khu vực.
Về điểm này, bà Harris tuyên bố Bắc Kinh đang tiếp tục các hành vi “cưỡng ép” và “đe dọa” tại Biển Đông, đồng thời cho rằng hành vi của Trung Quốc đe dọa phá hoại trật tự và chủ quyền dựa trên luật pháp của các quốc gia.
Liên quan các động thái pháp lý nổi bật, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 10 đã thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 (còn gọi là S.1657), nhắm đến việc trừng phạt các cá nhân, thực thể Trung Quốc liên quan những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Bắc Kinh gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Việc cả hai đảng ủng hộ dự luật S.1657 đã chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng trái pháp luật của Trung Quốc trên biển.
Trên thực địa, Mỹ trong năm 2021 đã tăng cường hiện diện và các hoạt động quân sự nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, đồng thời tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Theo tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) - tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, Mỹ trong năm 2021 đã thực hiện 1.200 phi vụ trinh sát trên Biển Đông. Ngoài trinh sát cơ, quân đội Mỹ năm qua đã 13 lần điều nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm tác chiến đổ bộ vào Biển Đông, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Nổi bật, năm 2021 chứng kiến sự tăng cường phối hợp về lập trường giữa Washington cùng các đối tác, đồng minh - Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức, Canada, New Zealand, theo đó đã tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông cũng như hình thành các cơ chế liên kết mới ở khu vực (thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ - Anh - Úc).
Washington cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này xảy ra xung đột ở Biển Đông, căn cứ theo Hiệp ước tương hỗ ký năm 1951.
Trong các chuyến thăm khu vực năm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken đều tuyên bố hậu thuẫn cho đồng minh và đối tác tác ở khu vực, đối phó tham vọng của Bắc Kinh.
Sự tăng cường can dự của các quốc gia ngoài khu vực
Năm 2021, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng Canada, Nhật, Úc đã tăng cường can dự tại Biển Đông.
Điển hình, ba nước Anh, Pháp, Đức, hay còn gọi là nhóm E3, đã xem xét việc thành lập các lực lượng hiện diện thường trực tại Thái Bình Dương nói chung và tại Biển Đông nói riêng.
Hải quân các nước Mỹ, Anh, Canada, Hà Lan, Nhật, New Zealand hoạt động chung tại biển Philippines. Ảnh: STUFF
Các quốc gia E3 cũng điều tàu chiến, đặc biệt là nhóm tác chiến tàu sân bay và tổ chức nhiều hoạt động diễn tập quy mô lớn tại khu vực.
Hồi tháng 2, Pháp điều tàu ngầm hạt nhân Émeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine đến Biển Đông. Từ tháng 2 đến tháng 7, tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf của hải quân Pháp cũng triển khai sứ mệnh đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông.
Về phía Anh, hải quân nước này hồi tháng 5 đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông.
Đức hồi tháng 8 cũng điều tàu chiến Bayern đi qua Biển Đông.
Cũng trong tháng 8, phía Nhật đã công khai thúc giục EU tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á để đối trọng Trung Quốc.
Hồi tháng 11, lực lượng phòng vệ biển Nhật (JMSDF) và hải quân Mỹ đã lần đầu tiên tập trận chống ngầm tại Biển Đông.
Về phía Canada, tàu khu trục HMCS Calgary thuộc hải quân nước này hồi tháng 3 đã di chuyển gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 05 năm Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông (12-7), đồng loạt các nước Mỹ, Nhật, Canada đã nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết.
Các nội luật của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp tình hình Biển Đông
Năm 2021, Trung Quốc đã ban hành các quy định, nội luật có nguy cơ tác động trực tiếp tình hình Biển Đông, như Luật hải cảnh (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2) hay Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9).
Bên cạnh đó, Bắc Kinh tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát thực tế, tạo ưu thế chiến lược trong cạnh tranh với Mỹ và đồng minh của Washington tại khu vực.
Bên cạnh đầu tư hiện đại hóa lực lượng hải quân cùng năng lực tác chiến trên nhiều mặt trận – đóng tàu sân bay thứ ba, tàu đổ bộ, tăng cường năng lực tác chiến điện tử xung quanh khu vực, v.v, Bắc Kinh cũng gia tăng hiện diện trên thực địa.
Các tàu được cho là lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý là sự hiện diện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc tại Biển Đông, điển hình là vụ Philippines hồi tháng 3 công bố phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Diễn biến trên kéo theo loạt “khẩu chiến”, cũng như công hàm ngoại giao phản đối của Philippines đối với phía Bắc Kinh.
Hồi tháng 11, căng thẳng giữa Philippines – Trung Quốc một lần nữa leo thang liên quan vụ các tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Manila tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Liên quan vụ việc, loạt quốc gia - Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Nhật, Úc, EU - đã lên tiếng ủng hộ Phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016, kêu gọi các bên ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối các hành động gây bất ổn tại khu vực.
Phía Trung Quốc cũng đã tổ chức các hoạt động huấn luyện quân sự với tần suất, quy mô lớn tại Biển Đông, cùng các hoạt động diễn tập như điều oanh tạc cơ H-6J thực hành rải thủy lôi và ném bom trên Biển Đông.
Lập trường của ASEAN
Trong vấn đề Biển Đông, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021 tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-G7 lần thứ nhất khai mạc ngày 12-12. Ảnh: ASEAN
Các nước ASEAN nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Năm mới, nhiều thách thức mới
Năm 2021 báo hiệu những thách thức lớn trong năm tiếp theo, dự báo những sự kiện, kết quả có thể đạt được do sự nỗ lực của các nước trong quá trình đấu tranh cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông.
Biển Đông trong năm 2022 được dự báo tiếp tục là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong số các bên tranh chấp, Philippines đang ở một vị trí đầy thách thức trong cuộc cạnh tranh đó. Quốc gia Đông Nam Á này có hiệp ước quốc phòng chung với Mỹ, trong khi Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất và đối tác kinh tế hàng đầu của Manila.
Cuộc đua tổng thống Philippines trong năm 2022 hứa hẹn là sự kiện thu hút sự chú ý của các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt về cách tiếp cận của tân chính quyền Manila đối với Bắc Kinh và trong vấn đề Biển Đông.
Khả năng Trung Quốc và ASEAN hoàn tất được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo đúng thời hạn đặt ra trong năm 2022 cũng là sự kiện đáng quan tâm.
Trong đó, các diễn biến như Campuchia đảm nhiệm ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, hay những tranh cãi còn tồn tại giữa các bên về phạm vi và nội dung của COC, sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ-Trung và tình hình đại dịch COVID-19 là các yếu tố được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tiến trình hoàn tất COC.