Rừng thế mạng (ảnh dưới, bên phải) là phim Việt duy nhất giữa "rừng" bom tấn ngoại cuối năm (Spider-Man, No Time To Die, Matrix) - Ảnh: ĐPCC
Năm 2021 có 12 tháng thì phải đến 7 tháng rạp phim cả nước không hoạt động, tròn 8 tháng không có phim Việt mới. Vắng bóng suốt từ dịp lễ 30-4 đến tận ngày 30-12 mới có một phim Việt mạo hiểm ra rạp là Rừng thế mạng.
"Chết như ngả rạ"
Điều này đồng nghĩa với số lượng phim điện ảnh Việt tụt thảm hại. Tính cả Rừng thế mạng, cả năm có 13 phim Việt ra rạp, chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 so với các năm trước.
Dù có Bố già lập kỷ lục hơn 400 tỉ đồng, Lật mặt: 48h đạt trên 150 tỉ đồng, đây vẫn không thể coi là năm thắng lợi của điện ảnh Việt.
Bố già gây sốt với 400 tỉ đồng nhưng không có nghĩa là phim Việt đã có vị thế vững chắc trong lòng khán giả - Ảnh: ĐPCC
Một thị trường chỉ có thể lành mạnh khi cơ hội doanh thu được chia đều cho thêm một số phim khác, đặc biệt là những phim có đầu tư về nội dung, kỹ thuật. Nếu năm ngoái, phim Việt rơi vào 2 thái cực "hoặc trăm tỉ, hoặc chết" thì năm nay, tình trạng đó vẫn nặng nề.
Bố già ra rạp vào tháng 3-2021, áp đảo doanh thu so với phim ra cùng lúc là Gái già lắm chiêu V. Tương tự, Lật mặt: 48h ra rạp giữa tháng 4, cũng gặp may mắn bởi sau đó dịch bệnh bùng lên trở lại. 2 bộ phim thành công trong năm 2021 đều có điểm chung là gắn với những nghệ sĩ có thương hiệu lâu năm (Trấn Thành, Lý Hải), có sẵn sức hút với khán giả.
Hai phim cũng có yếu tố đó nhưng không đạt doanh thu lớn là Trạng Tí phiêu lưu ký (Ngô Thanh Vân, Phan Gia Nhật Linh) do gặp trào lưu tẩy chay, Thiên thần hộ mệnh (Victor Vũ) do phim chưa đủ hấp dẫn.
Trạng Tí phiêu lưu ký trở lại rạp vào Tết 2022 sau khi phải dừng chiếu dịp 30-4 do COVID-19 - Ảnh: ĐPCC
Nhóm phim Việt "chết như ngả rạ" vẫn rất đông đảo với Võ sinh đại chiến, Cậu Vàng, Em là của em, Sám hối, Mỹ nhân thần sách, Kiều, Kiều@... Riêng Sám hối khá đầu tư về khâu sản xuất nhưng có nội dung yếu, công bố kinh phí là 50 tỉ đồng nhưng doanh thu chỉ hơn 1,2 tỉ đồng (theo Box Office Vietnam).
Ở thời của phim trực tuyến, các phim như Gái già lắm chiêu V và Thiên thần hộ mệnh cũng đã tìm đường lên mạng (bán bản quyền cho Netflix) để có thêm doanh thu ngoài chiếu rạp.
"Miếng bánh" về cơ hội thắng lớn sắp tới càng trở nên eo hẹp vì COVID-19, nhiều phim dời lịch nhiều lần, chưa ra rạp đã có nguy cơ lỗ. Riêng nhà sản xuất Rừng thế mạng tiết lộ sau nhiều lần dời lịch chiếu, họ mất 20 tỉ đồng chi phí phát sinh, không thể thu lại.
Trailer phim 'Trạng Tí'
Vì sao phim Việt lép vé phim Hàn trên sân nhà?
Điện ảnh Việt năm 2021 gặp vô vàn khó khăn vì điều kiện khách quan do COVID-19. Giới điện ảnh từng dự báo đến tháng 3-2022, phòng vé và thói quen ra rạp xem phim của khán giả mới phần nào phục hồi.
Nhưng hiện tại điều đó cũng là rất khó khi phim Việt lẫn phim ngoại ở rạp đều bị lấn át bởi doanh thu khổng lồ của Spider-Man: No Way Home (1,16 tỉ USD toàn cầu, trong đó có 73 tỉ đồng tại Việt Nam).
Spider-Man: No Way Home lấn át tất cả phim cùng chiếu - Ảnh: ĐPCC
Khán giả có quay lại rạp nhưng họ dồn hết sự chú ý vào một bom tấn lớn. Ngay cả tại Mỹ, tình trạng này cũng diễn ra khiến giới quan sát cảnh báo về một thị trường thiếu lành mạnh.
Gặp khó khăn do khách quan, điện ảnh Việt cũng đang phải đối mặt với câu hỏi chất vấn lớn từ phía các lãnh đạo nhà nước, ban ngành: Vì sao phim Việt lép vế phim Hàn, phim Trung trên sân nhà?
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - nêu ý kiến: "Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật tivi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra nguy cơ mất nước từ bên trong".
Squid Game là đại diện tiêu biểu của làn sóng phim Hàn áp đảo năm 2022 - Ảnh: ĐPCC
Để bàn về nguy cơ "mất nước từ bên trong" do văn hóa, phim ảnh, cần rất nhiều số liệu và luận điểm. Riêng với điện ảnh, thật khó trách các nhà làm phim khi số lượng phim Việt trong năm qua lép vế so với phim ngoại.
Không thể ra rạp, khán giả có vô vàn lựa chọn khác từ truyền hình và trực tuyến, đặc biệt là trực tuyến. Ở thời đại của các nền tảng trực tuyến, khán giả như bước vào đại dương mênh mông của những nội dung trực tuyến phong phú, đa dạng, được cá nhân hóa cao độ.
Để phim Việt không lép vế trên sân nhà, không chỉ cần những cơn sốt 400 tỉ đồng từ các bộ phim nổi tiếng toàn quốc như Bố già. Chúng ta còn cần những bộ phim nhỏ hơn, có lãi và giúp duy trì niềm tin của khán giả vào chất lượng phim Việt.
Trong năm 2022, cuộc cạnh tranh giữa phim rạp Việt và "đại dương" phim ngoại sẽ c.n khốc liệt hơn nữa.
Trước mắt, một loạt phim Việt đang xếp hàng để chiếu vào năm 2022. Đó là các phim chiếu Tết 2022 như 1990, Chìa khóa trăm tỉ cùng các phim khác như Em và Trịnh, Nghề siêu dễ, Bẫy ngọt ngào, Bóng đè... Có khả năng Trạng Tí phiêu lưu ký. sẽ trở lại vào dịp Tết.
TTO - Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng trực tuyến nhận định phim trực tuyến là xu hướng tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, loại hình này chỉ có thể lớn mạnh khi có những phim sản xuất dành riêng cho người Việt.
Xem thêm: mth.34801329013211202-tam-ed-ig-noc-gnohk-1202-teiv-mihp/nv.ertiout