Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai đã thông tin liên quan đến việc một số đội trưởng, đội phó CSGT được điều động đưa về làm trưởng, phó công an xã và thông tin thêm về vụ Giang ‘36’...
Chiều 27/12, trong buổi họp báo về kinh tế-xã hội năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của UBND tỉnh Đồng Nai, Đại tá Văn Quyết Thắng - Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thông tin về việc điều chuyển một số cán bộ Cảnh sát giao thông về phường, xã làm việc. Tại đây, Đại tá Văn Quyết Thắng nói rằng, đây là công tác thường xuyên về khâu tổ chức cán bộ.
Vừa rồi, chủ trương của Bộ luân chuyển cán bộ chính quy về công an xã, thị trấn để tăng cường.
Theo quy định của Bộ, số lượng công an tỉnh tăng cường từ 30-35% và công an huyện là 30%, còn lại là về công an xã. Trước kia, công an xã chỉ bố trí lực lượng bán chuyên nghiệp (bán chính quy), từ cơ sở mà tuyển trưởng công an xã, phó công xã, công an viên. Nhưng theo chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Công an, tới đây là 100% công an xã phải là công an chính quy.
Cụ thể, một số các đội trưởng, đội phó đưa về làm trưởng, phó công an xã. Cảnh sát giao thông không có chức vụ thì đưa về làm công an viên hoặc đưa về đội phong trào.
Theo Đại tá Thắng, công an các huyện gặp nhiều khó khăn như công an huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, do đó việc bố trí lực lượng công an chính quy còn hạn chế. Tới đây, cơ quan công an sẽ tăng cường tài nguyên cơ sở đối với công an chính quy.
“Khi chúng tôi bước vào ngành thì cũng sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, khi mà được ban giám đốc, được tổ chức phân công phải chấp hành mệnh lệnh. Bình thường, cán bộ, chiến sĩ nào cũng muốn ở những đơn vị cấp tỉnh, có điều kiện sinh hoạt tương đối, lại gần gia đình hơn”, Vị Phó giám đốc Công an Đồng Nai chia sẻ.
Đại tá Thắng cũng nói thêm, biết rằng việc đưa các cán bộ về huyện, về xã công tác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Có nghĩa là phải xuống cơ sở, xuống tận thôn, ấp, điều kiện các đồng chí cũng không được thoải mái.
Tuy nhiên, trước khi đưa về, phía Công an tỉnh cũng đã mời các cán bộ lên làm công tác tư tưởng, xác định tư tưởng khi được yêu cầu điều động đi phải chấp hành. Nếu không chấp hành, đơn vị sẽ có biện pháp xử lý theo ngành quy định không vì lý do này, lý do khác trì trệ, kéo dài thời gian.
Theo lãnh đạo công an tỉnh, trước khi điều động, luân chuyển cán bộ, công an tỉnh cũng đã đưa ra tiêu chí, đưa đợt nào trước, đợt nào sau, làm sao cho phù hợp với khả năng chuyên môn, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
"Việc đưa về để đảm bảo công tác gần dân, sát dân, nắm tình hình với dân. Chứ cứ trên này (TP Biên Hòa-PV) có những việc, tình hình xảy ra ở địa bàn, ở cơ sở, trong khi lực lượng chính quy ở cơ sở không mạnh, không đủ để hoạt động, còn trên này có mạnh đi nữa thì cũng không thể nào đảm bảo được trật tự an ninh, an toàn xã hội tại địa phương”, Phó giám đốc Công an tỉnh Văn Quyết Thắng lý giải thêm.
Trong đó, có thêm phần giang hồ, tiếp tục điều tra Nguyễn Tấn Lương liên quan vấn đề xây dựng, vấn đề thu nộp thuế, đối với ngân sách nhà nước. Công an sẽ thông tin khi có kết quả của từng tiến độ điều tra.
Vụ ‘sếp’ CSGT bảo kê xe, Phó giám đốc Công an tỉnh nhắc lại, vừa rồi thanh tra Bộ đã có thông báo kết luận sai phạm của Trung tá Phạm Hải Cảng (Đội trưởng đội CSGT số 2) và Trung tá Phan Cẩm Tú (Đội phó đội Cảnh sát giao thông số 1) tham gia bảo kê xe. Bước đầu xác định, Trung tá Cảng bảo kê 10 xe, Trung tá Tú bảo kê 6 xe.
Về số tiền cho rằng bị cắt cúp, thanh tra xác minh, số tiền đó không chia cho cán bộ CSGT mà giữ lại để tăng cường cho anh em tuần tra đêm, hiếu hỉ...