vĐồng tin tức tài chính 365

Xét xử vụ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh: Đánh giá của nhà thầu không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm

2022-12-01 12:37

Bị cáo Nguyễn Minh Khải (50 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh) và 7 đồng phạm đã vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt Thành phố, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỉ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, trong vụ án này các bị cáo đã có sai phạm, vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Trong đó, bị cáo Khải có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác làm sai quy định khi đấu thầu gói thầu "Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018".

Xét xử vụ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh: Đánh giá của nhà thầu không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm - Ảnh 1.

Đại diện Viện Kiểm sát phản biện quan điểm của luật sư. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Về hành vi sai phạm của bị cáo Khải, Viện Kiểm sát không viện dẫn những chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp của bị cáo Khải đối với các bị cáo vì những nội dung này đã được các bị cáo trong Hội đồng hàng mẫu, Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định khai báo tự nguyện, thành khẩn nhiều lần; đặc biệt có 5 cuộc đối chất giữa bị cáo Khải với các bị cáo trong quá trình điều tra. Các bị cáo cấp dưới đã tiếp nhận, hiểu và thực hiện theo chỉ đạo của Khải để loại nhà thầu Codupha trái pháp luật.

Viện Kiểm sát xác định, có những lời khai về việc bị cáo Khải không chỉ đạo trong quá trình đấu thầu là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án nên không có căn cứ sử dụng các lời khai đó, qua đó bác bỏ quan điểm của luật sư cho rằng Viện Kiểm sát sử dụng lời khai một chiều.

Tại tòa, Viện Kiểm sát ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo Khải về sai phạm của bị cáo trong hoạt động đấu thầu. Vì vậy, bị cáo Khải thấy có trách nhiệm với hậu quả thiệt hại và xin khắc phục. Quan điểm của luật sư về việc bị cáo Khải không chỉ đạo các bị cáo khác làm sai là không có căn cứ.

Về quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Khải và các bị cáo trong Hội đồng hàng mẫu đánh giá kỹ thuật theo các tiêu chí đã đặt ra chỉ nhằm lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng đây chỉ là lý do mà bị cáo Khải và các bị cáo nêu ra để biện minh cho hành vi sai phạm của mình.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, tài liệu điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa đều thể hiện, sản phẩm của cả ba nhà thầu là Codupha, Hào Tín và Tâm Hợp đều đáp ứng được kỹ thuật của hồ sơ mời thầu. Việc đánh giá sản phẩm của nhà thầu nào tốt hơn mà các luật sư nêu ra là dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ, là nhận định chủ quan chứ chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, nếu các bị cáo mong muốn lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân thì trước hết phải làm đúng quy định pháp luật khi đấu thầu, biến các tiêu chí tốt, sản phẩm tốt thành nội dung, tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu. Từ đó mới đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan cho tất cả nhà thầu.

Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo đã loại sản phẩm của nhà thầu Codupha bằng các tiêu chí chủ quan của các thành viên xét thầu, không có trong hồ sơ mời thầu là trái quy định pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, các bị cáo trong vụ án không hưởng lợi ích vật chất từ hành vi sai phạm, bởi nếu Viện Kiểm sát xác định các bị cáo có hưởng lợi thì chắc chắn không có mức án đề nghị như đã nêu và chắc chắn tội danh sẽ khác. Bên cạnh đó, trong vụ án này Viện Kiểm sát không áp dụng biện pháp hình phạt bổ sung đối với các bị cáo vì hành vi sai phạm trong vụ án là vi phạm trong đấu thầu, không liên quan đến hoạt động chuyên môn là hành nghề y của các bị cáo. Sau khi chấp hành hình phạt thì các bị cáo có thể quay lại với công việc của mình.

Trước đó tại phiên tòa ngày 30/11, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Khải từ 8-9 năm tù, Võ Thị Chinh Nga (Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức) cùng từ 3-4 năm tù; Phan Thị Bích Hạnh (Trưởng Phòng Tài chính-Kế toán) 24-30 tháng tù; Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng Khoa Tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (Phó Trưởng Khoa Khám mắt) cùng từ 15-18 tháng tù; Nguyễn Trí Dũng (Phó Giám đốc) 12 tháng 8 ngày tù.

Bào chữa cho bị cáo Khải, luật sư cho rằng, bị cáo Khải không phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, mà có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo luật sư, việc quyết định số lượng, cấu hình, giá thủy tinh thể đều do tập thể quyết định dựa trên sự bàn bạc, thống nhất, không phải là ý kiến cá nhân của ông Khải hay tự ông quyết định. Do đó, việc kết luận bị cáo Khải định hướng về cấu hình, số lượng, giá sản phẩm của gói thầu là không chính xác.

Bên cạnh đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Khải cho biết ông đã tham khảo một số chuyên gia về nhãn khoa và được biết sản phẩm chống tia UV tốt hơn sản phẩm hấp thụ tia UV, tức là sản phẩm của nhà thầu Hào Tín, Tâm Hợp có sự khác biệt sản phẩm của Codupha.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa bổ sung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.19733041110212202-meihgn-hnik-oav-aud-ihc-eht-gnohk-uaht-ahn-auc-aig-hnad-hnim-ihc-oh-pt-tam-neiv-hneb-uv-ux-tex/taul-pahp/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xét xử vụ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh: Đánh giá của nhà thầu không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools