vĐồng tin tức tài chính 365

Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'?

2022-12-02 06:38

Trên số báo ngày 1-12, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin tới bạn đọc về những hạn chế, vướng mắc của chế định hội thẩm nhân dân (HTND) được nêu bởi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cùng một số chuyên gia luật. Ông Bình đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam (VN) có nên thay đổi chế định HTND như hiện tại hay không? Ngoài ra, ông cũng đề cập đến chế định bồi thẩm đoàn để các nhà làm luật nghiên cứu.

Vậy bồi thẩm đoàn là gì và VN có nên áp dụng hay không? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'? ảnh 1

Việt Nam đang áp dụng chế định hội thẩm nhân dân tham gia xét xử ở các phiên tòa sơ thẩm. Trong ảnh: Hội thẩm nhân dân tham gia HĐXX trong một phiên tòa tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

ThS TRẦN THANH THẢO, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Chế định bồi thẩm đoàn: Cần nghiên cứu kỹ

Theo pháp luật của nhiều quốc gia, bồi thẩm đoàn là một nhóm người thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội, được chọn ngẫu nhiên (bước lựa chọn ban đầu - PV), được trao quyền quyết định các vấn đề đối với vụ án mà họ được phân công. Về nguyên tắc, bồi thẩm đoàn hoàn toàn độc lập với thẩm phán cũng như họ không phải thực hiện những nhiệm vụ vượt quá khả năng, trình độ hiểu biết của mình và quyết định do bồi thẩm đoàn đưa ra phản ánh được quan điểm, nhận thức của đại bộ phận người dân trong xã hội. Do đó, chế định bồi thẩm đoàn sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay của chế định hội thẩm. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu kỹ chế định bồi thẩm đoàn trong pháp luật các quốc gia để có thể áp dụng tại nước ta trong thời gian tới.

Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'? ảnh 2
ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Chế định bồi thẩm đoàn tồn tại phổ biến ở các quốc gia theo mô hình tố tụng tranh tụng với vai trò rất quan trọng của công tố viên và các luật sư tại phiên tòa. Trong khi đó, VN theo mô hình pha trộn thiên về thẩm vấn mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc giải quyết vụ án sẽ do tòa án thực hiện dựa trên hồ sơ vụ án kết hợp với việc tiếp tục thẩm vấn tại phiên tòa. Vai trò của luật sư còn khá thụ động và trong nhiều trường hợp lệ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng.

Do đó, để có thể áp dụng chế định này tại VN, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tính tranh tụng cũng như đảm bảo sự chủ động, độc lập của bên buộc tội và bên gỡ tội tại phiên tòa. Và đặc biệt là cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm chế định bồi thẩm đoàn trong hoạt động xét xử tại VN.

Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chưa phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay

Ở một số nước như Pháp, Brazil thì các phiên tòa xét xử có sự tham gia của bồi thẩm đoàn chỉ áp dụng cho các vụ án hình sự, những tội phạm nghiêm trọng và không áp dụng cho các vụ án dân sự.

Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'? ảnh 3
Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM

Có thể thấy bồi thẩm đoàn là những người dân bình thường, họ đơn giản được chọn vào bồi thẩm đoàn với nhiệm vụ là dựa vào những chứng cứ, bằng chứng có được, cộng thêm sự hiểu biết, nhìn nhận của bản thân để xem xét một người thực hiện hành vi như vậy có bị coi là phạm tội hay không. Nếu theo quan điểm của bồi thẩm đoàn là không phạm tội thì thẩm phán không thể tuyên có tội. Nếu quan điểm của bồi thẩm đoàn là phạm tội thì lúc này thẩm phán mới áp dụng pháp luật để xem xét là đối với hành vi phạm tội này thì nên tuyên mức hình phạt bao nhiêu là hợp lý. Do đó, theo tôi sẽ rất bất cập nếu như bồi thẩm đoàn được áp dụng trong xét xử tại VN bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, thành viên bồi thẩm đoàn là những người dân bình thường, được chọn ngẫu nhiên nên sẽ dễ ảnh hưởng bởi dư luận và cảm tính trước một vấn đề. Đơn cử như trong một vụ án hình sự, khi bị cảm xúc chi phối thì có thể là không xem xét những chứng cứ, tình tiết một cách khách quan… mà chỉ chăm chú vào hành vi người đó thực hiện để ra quyết định là có phạm tội hay không. Điều này khiến cho ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội bị phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc.

Thứ hai là về kỹ năng đánh giá chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án. Liệu một người dân bình thường trong xã hội, được chọn từ nhiều ngành nghề khác nhau thì kỹ năng đánh giá chứng cứ, hành vi để đưa ra quyết định là có đúng hay không?

Thứ ba, số lượng thành viên của bồi thẩm đoàn thông thường là 12 người và quy trình để chọn rất phức tạp từ bước chọn ngẫu nhiên ở địa phương, sau đó là kiểm tra về những tiêu chí như công tâm, lý lịch... Với số lượng án tại VN hiện nay thì một quy trình lựa chọn thành viên bồi thẩm đoàn như vậy là không khả thi. Hơn nữa, khi bồi thẩm đoàn không thống nhất được ý kiến thì lại phải giải tán chọn bồi thẩm đoàn mới, điều này là rất mất thời gian và gần như là không khả thi.

Có thể tham khảo mô hình hội thẩm nhân dân mới

Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'? ảnh 4

TS Lê Nguyên Thanh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, HTND TAND TP.HCM

Không giống như hội thẩm ở VN, bồi thẩm đoàn khi xét xử chỉ có nhiệm vụ quyết các vấn đề về sự thật vụ án còn thẩm phán chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến pháp luật. Thẩm phán xem xét các vấn đề về luật pháp (như về hình phạt…) sau khi đã có phán quyết của bồi thẩm đoàn.

Tôi cho rằng đây là mô hình hay, đúng với bản chất, ý nghĩa của việc xét xử có hội thẩm, đồng thời phù hợp trình độ, hiểu biết, tâm lý của HTND, bồi thẩm viên. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này vào tố tụng hình sự ở VN sẽ kéo theo những thay đổi khác trong các thủ tục tố tụng, trong đó có thủ tục xét xử bồi thẩm/hội thẩm và xét xử của thẩm phán; quy định về chứng cứ, chứng minh theo hướng quy định về loại trừ chứng cứ thật chặt chẽ; thay đổi về việc lựa chọn hội thẩm như cơ chế bồi thẩm đoàn của các nước, kể cả việc cân nhắc xem những loại tội phạm nào cần xét xử theo cơ chế bồi thẩm đoàn và những rủi ro, tốn kém phát sinh…

Và như đã đề cập, theo tôi, chế định HTND hiện nay có vướng mắc chủ yếu là việc giá trị biểu quyết của HTND ngang bằng với thẩm phán khi nghị án, trong khi số lượng HTND nhiều hơn số lượng thẩm phán trong HĐXX. Từ đó, gây áp lực lên thẩm phán nếu ý kiến biểu quyết không thống nhất mà ý kiến của hội thẩm chiếm đa số.

Do đó, một mô hình cần tham khảo đó là xét xử có sự tham gia của HTND như ở VN hiện nay nhưng sẽ có ràng buộc về giá trị biểu quyết của hội thẩm (cần có sự đồng thuận ít nhất của một thẩm phán mới có giá trị) hoặc tỉ lệ thành viên hội thẩm ít hơn so với thẩm phán trong thành phần HĐXX…

TS LÊ NGUYÊN THANH,

Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, HTND TAND TP.HCM

YẾN CHÂU - MINH CHUNG

Xem thêm: lmth.253017tsop-naod-maht-iob-hnid-ehc-gnud-pa-nen-oc/nv.olp

“Có nên áp dụng chế định 'bồi thẩm đoàn'?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools