Theo hãng tin Reuters, ngày 1-12, Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời đồng ý áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Ngoài ra, EU cũng tạm thời nhất trí cơ chế điều chỉnh để giữ giá trần ở mức 5% dưới mức giá thị trường.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Mức giá trần đối với dầu thô của Nga được đặt ở mức 60 USD, với điều kiện giữ mức giá này thấp hơn 5% so với giá thị trường (dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)”.
Thỏa thuận này vẫn cần phải được tất cả thành viên EU phê chuẩn bằng văn bản trước ngày 3-12. Một nhà ngoại giao EU cho biết Ba Lan vẫn chưa xác nhận liệu họ có ủng hộ thỏa thuận hay không.
Tàu chở dầu Minerva Virgo rời một cảng của Nga vào tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS. |
Tuần trước, G7 đã đề xuất mức giá trần đối với dầu của Nga. Theo đó, nhóm này đề nghị đặt giá trần ở mức 65-70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh.
Vì dầu thô Urals của Nga đã được giao dịch thấp hơn mức giá trần mà G7 đề xuất, Ba Lan, Lithuania và Estonia không đồng ý với mức giá này. Các nước này cho rằng mức giá của G7 đề xuất không đạt được mục tiêu chính là giảm khả năng tài trợ của Nga trong xung đột tại Ukraine.
Chiều ngày 1-12, dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 70 USD/thùng.
Theo tài liệu mà Reuters thu thập được, mức giá trần sẽ được xem xét vào giữa tháng 1-2023 và được xem xét lại theo chu kỳ 2 tháng. Điều này được cho là nhằm đánh giá cách thức hoạt động của cơ chế này và ứng phó "những bất ổn" có thể xảy ra trên thị trường dầu mỏ.
Với việc đặt ra mức giá trần, G7 muốn cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi các lô hàng này được bán với giá thấp hơn giá do G7 và các đồng minh đặt ra.
Vì các công ty vận chuyển và các công ty bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, giới chuyên gia dự đoán mức giá trần sẽ khiến Moscow gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu dầu.