vĐồng tin tức tài chính 365

Họp báo Chính phủ 'nóng' vụ Việt Á, trái phiếu doanh nghiệp

2022-12-02 06:38

Chiều 1-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại đây, nhiều vấn đề được báo chí đề cập đã được đại diện các bộ giải đáp.

2/3 đối tượng vi phạm là đảng viên

Liên quan đến vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, đã trả lời về quan điểm, chủ trương, tiến độ cũng như quy mô, tính chất của vụ việc. “Vụ Việt Á là vụ án rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân. Nhiều bị can trong vụ án này là cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ cao cấp bị xử lý” - Trung tướng Tô Ân Xô nói và cho hay đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 29 bị can, trong đó 2/3 là đảng viên.

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản, tạm giữ số tiền mà các bị can tự nguyện nộp lại là 1.700 tỉ đồng.

Tướng Tô Ân Xô cho biết do vụ án liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên nên ngày 20-10, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Thứ nhất, xử lý nghiêm các trường hợp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì, kết luận, can thiệp, tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong chống dịch… gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thứ hai là giảm nhẹ xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa hợp đồng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng các vi phạm này xảy ra trong trường hợp cấp bách, những hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

Họp báo Chính phủ 'nóng' vụ Việt Á, trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an (phải) và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VGP

Thứ ba là miễn kỷ luật nhưng yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc với những trường hợp vi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không vụ lợi, không có động cơ cá nhân, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh chủ trương này nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời thể hiện tính nhân văn, khoan hồng, bản chất tốt đẹp của chế độ. “Bộ Công an đề nghị người vi phạm tiếp tục trung thực khai báo với cơ quan có trách nhiệm, nộp lại số tiền đã nhận thì sẽ được xem xét khi vụ án tiếp tục mở rộng điều tra” - ông Xô nêu rõ.

Trái phiếu riêng lẻ sẽ lành mạnh

Trả lời về vấn đề quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp - đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khối lượng phát hành tính đến ngày 25-11 có xu hướng giảm, niềm tin của thị trường giảm sút. Về nguyên nhân, theo ông Chi, xuất phát từ một số vụ việc vi phạm đã được xử lý; đồng thời tin đồn không chính xác cũng ảnh hưởng tới thị trường.

Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết Nghị định 65/2022 đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Chi nhìn nhận thị trường thay đổi, diễn biến cực kỳ nhanh chóng nên để thích ứng tình hình mới thì chúng ta phải hành động. “Ngay cả Nghị định 65 cũng sẽ được rà soát sửa đổi, bổ sung nhằm giúp “thị trường quay lại” - ông Chi nói.

Ông Chi cũng thông tin về cuộc làm việc của Bộ Tài chính với 37 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua. Theo đó, các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào khuyến khích khôi phục sớm niềm tin vào thị trường; tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản và tín dụng của doanh nghiệp từ các tổ chức tín dụng; hoàn thiện khung pháp lý.

“Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết. Để thực hiện được điều đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đưa thị trường trái phiếu trở lại vận hành một cách bình thường và nhịp nhàng” - ông Chi nói.

Nhà ga T3 dự kiến khởi công từ ngày 15 đến 25-12

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã thông tin về tiến độ triển khai nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Theo ông Huy, điều kiện để khởi công nhà ga này cần ba yếu tố. Cụ thể là mặt bằng; nguồn lực tài chính, hồ sơ kỹ thuật; kết quả đấu thầu phải xong.

UBND TP.HCM là đơn vị chủ trì thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, ra quyết định thu hồi đất. Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn xong nhà thầu đối với phần móng công trình từ cuối tháng 7. ACV cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính và theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ khởi công vào tháng 12 này. “Phía ACV và nhà thầu đã sẵn sàng” - ông Huy nói.

Về phía Bộ Quốc phòng, dù mặt bằng chưa được bàn giao, chưa thực hiện được bồi thường nhưng Binh chủng Phòng không - Không quân đã cho nhà thầu vào thi công cọc thử, toàn bộ việc đóng cọc thử đã hoàn thành... “Vì chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng nên chúng ta chưa khởi công” - ông Huy nói.

Về phía UBND TP.HCM, theo báo cáo ngày 30-11 của ACV, UBND TP.HCM đã giao các sở thẩm định phương án. Dự kiến trong hôm qua nếu kịp, không có vấn đề gì vướng mắc thì sẽ báo cáo lên UBND TP.HCM để trong tuần này ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và quyết định thu hồi đất. Nếu không có gì trục trặc về phía công tác bàn giao mặt bằng thì dự kiến từ ngày 15 đến 25-12 nhà ga T3 sẽ được khởi công.

CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH

Xem thêm: lmth.463017tsop-peihgn-hnaod-ueihp-iart-a-teiv-uv-gnon-uhp-hnihc-oab-poh/nv.olp

“Họp báo Chính phủ 'nóng' vụ Việt Á, trái phiếu doanh nghiệp”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools