Ngày 2/12, thông tin PV có được, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Báo cáo này thể hiện, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội Thừa Thiên-Huế đã có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại với dự ước đến cuối năm 2022 đạt 14/14 chỉ tiêu mà HĐND tỉnh này đề ra tại Nghị quyết 41/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 của Thừa Thiên-Huế ước đạt từ 8,5-9%, vượt kế hoạch (6,5-7,5%).
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 65.700 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 ước đạt 56,4 triệu đồng, tương đương 2.405 USD, tăng 10% so cùng kỳ, vượt 55 USD so với kế hoạch (2.350 USD).
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.701 tỷ đồng, vượt 85,1% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.230 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ, đạt 109% kế hoạch.
Dù kinh tế khởi sắc vậy nhưng báo cáo cũng mạnh dạn nêu ra các khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, Thừa Thiên-Huế thừa nhận quy mô kinh tế còn nhỏ. Đặc biệt, những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, giá xăng dầu… đã tác động lớn đến việc phát triển các ngành lĩnh vực của tỉnh; trong đó một số ngành chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ như: du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, xây dựng.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thiếu ổn định, khung giá đền bù có khoảng cách lớn so với giá cả thị trường, đơn giá đền bù được điều chỉnh hàng năm nên phải thường xuyên bổ sung. Việc bố trí kinh phí và nguồn lực cho công tác bồi thường GPMB còn chậm, chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Chưa quy định cụ thể để xác định giá sàn để kiểm soát giá gói thầu trong đấu thầu đối với ngành y tế; trong một số trường hợp đặc thù không quy định cho phép chỉ định thầu đã gây khó khăn, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư còn nhiều khó khăn, chồng chéo; chất lượng giám sát đầu tư chưa cao… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Nhất là các dự án ODA, bàn giao mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến việc khởi công công trình; thủ tục điều chỉnh dự án phức tạp, thời gian lấy ý kiến không phản đối của nhà tài trợ khá dài.
Đối với các dự án ngoài ngân sách còn nhiều vướng mắc về quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, công tác rà soát thu hồi dự án không có khả năng triển khai còn chậm. Thị trường bất động sản có thời điểm tăng nóng (trong Quý I), còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.
Chất lượng tham mưu trong công tác xúc tiến đầu tư, quản lý giám sát trong xây dựng, đất đai, đầu tư chưa cao đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chậm triển khai các quy hoạch phân khu...
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đã ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư do phải lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp, ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái như các dự án công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao... dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư.
Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương còn bị động; công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện.
Công tác phối hợp, tham mưu của một số sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trình độ, năng lực thực thi công vụ một số cán bộ, công chức có mặt chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Nhận thức về sự chỉ đạo của các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ có mặt còn hạn chế, thiếu nguồn lực tài chính và hỗ trợ của Trung ương.
Đối với Các chương trình mục tiêu quốc gia, văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương chậm ban hành so với kế hoạch nên địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương giao cho địa phương muộn (cuối tháng 5), phải tuân thủ Luật Đầu tư công mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục (thẩm định, phê duyệt dự án) để giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương được giao muộn (tháng 06/2022 gồm CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tháng 09/2022: CTMTQG xây dựng nông thôn mới), đồng thời các quy định về thực hiện và mức chi vẫn chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn và bị động.
Hầu hết, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu ở các địa phương miền núi (Nam Đông, A Lưới) nên công tác thẩm định và phê duyệt dự án còn chậm. Tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương theo quy định của Trung ương cao, nguồn thu ngân sách tỉnh/huyện/xã còn thấp nên khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn và dự toán chi năm 2022 đã được phân bổ từ đầu thời kỳ trung hạn và đầu năm, trong khi đó vốn ngân sách Trung ương giao muộn nên khó khăn trong việc cân đối dự toán ngân sách địa phương năm 2022 cho các dự án đầu tư.
Báo cáo cũng vạch ra mục tiêu trong năm 2023, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững… Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử.
Đặc biệt, chia sẻ về định hướng phát triển năm tới, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, trong lĩnh vực công nghiệp sẽ đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động trong năm tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các tập đoàn lớn, có thương hiệu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp tạo năng lực mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo tính sẵn sàng, thu hút đón làn sóng đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Lê Kông