Chiều 2-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4. Trong số này có Luật Thanh tra năm 2022.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), cho biết Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới, khắc phục được các hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010.
Trong đó, Luật Thanh tra năm 2022 cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như trước đây.
Ông Liêm cho hay, việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm. Ảnh: UYÊN TRANG |
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 có những quy định chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra.
Ví dụ với các cuộc thanh tra do TTCP tiến hành, tổng thời gian kể từ khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến khi công khai kết luận thanh tra là không quá 180 ngày, bao gồm việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo, ban hành và công khai kết luận thanh tra.
“Sau khi Luật này có hiệu lực, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa và tiến tới không còn tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra nữa” – ông Liêm khẳng định.
Vẫn theo ông Liêm, TTCP đã có nghị quyết về nâng cao chất lượng thanh tra và thời gian ban hành kết luận thanh tra, trong đó nêu rõ "những cuộc thanh tra nào chưa có báo cáo Thủ tướng thì không được làm trưởng đoàn nữa, tập trung khi nào xong thì tiếp tục được làm" .
Ngoài ra, TTCP cũng có quy chế nhằm siết chặt sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp thì việc xây dựng dự thảo, ban hành kết luận thanh tra không được chậm trễ…
Công khai sau 10 ngày ký ban hành kết luận
Theo Luật Thanh tra năm 2022, với các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, sau khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp, đoàn thanh tra phải xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, thời gian không quá 45 ngày.
Trong vòng 5 ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra giao trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, thời gian không quá 45 ngày.
Trong thời hạn 15 ngày nhận được dự thảo, người ra quyết định thanh tra ký quyết định ban hành kết luận thanh tra.
Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc phức tạp thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng không trả lời hoặc không có ý kiến với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp thủ trưởng có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.
Cuối cùng, chậm nhất 10 ngày kể từ khi ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra.
Đã có kết luận thanh tra về kit test
Báo chí đặt câu hỏi về các cuộc thanh tra liên quan đến mua sắm kit test, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế đến nay đã có kết quả hay chưa?
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng TTCP, cho biết cơ quan này đã có kết luận thanh tra và báo cáo Thủ tướng.
Sau khi Thủ tướng kết luận, cơ quan thanh tra sẽ công khai kết luận thanh tra theo quy định.