Tháng 7-1894, Hội đồng Thành phố thông qua hợp đồng và thời điểm khởi công xây dựng xưởng phát điện Hà Nội (còn gọi là Nhà máy Đèn Bờ Hồ) tại phố Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ngày 20-11-1894, việc thử nghiệm lò hơi được tiến hành và ngày 5-1-1895, Nhà máy Đèn Bờ Hồ chính thức đi vào vận hành phục vụ chiếu sáng. Lúc này, nhà máy có 2 máy phát điện một chiều tổng công suất là 500 kW.
Bác Hồ thăm hỏi, động viên thợ điện Thủ đô ngày 21-12-1954. |
Giai đoạn này Nhà máy Đèn Bờ Hồ do người Pháp, Công ty Điện khí Đông Dương quản lý, cung cấp điện cho 523 đèn điện ở những khu phố người Âu và phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Năm 1922, sản lượng điện do Nhà máy Đèn Bờ Hồ là 2.000.000 kWh, cung cấp điện cho Hà Nội, Hà Đông và các vùng lân cận.
Nhà máy Đèn Bờ Hồ tại phố Francis Garnier, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). |
Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Nhà máy đèn Bờ Hồ được chính quyền cách mạng tiếp quản và trở thành “cái nôi” của ngành điện Việt Nam và được đổi tên thành Nhà máy điện Hà Nội.
Vào ngày 21-12-1954, mặc dù rất bận việc nước nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đến thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Bác căn dặn “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô các chú. Các cô các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa”. Lời Bác ngày đó đã trở thành kim chỉ nam trong hành động, là nguồn động viên to lớn cho các thế hệ thợ điện Thủ đô. Và ngày 21-12 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Những năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tại Thủ đô Hà Nội nhiều trạm điện, cột điện, đường dây bị phá hủy và hư hỏng. Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” những người thợ điện Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm phục vụ quân và dân sản xuất chiến đấu. Trong trận chiến giữ cho nguồn sáng, 2 công nhân điện đã hy sinh trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo vệ lưới điện. Đó là liệt sĩ Hoàng Thế Doãn và liệt sĩ Đào Xuân Phương. Đó là tấm gương dũng cảm như công nhân Nguyễn Đình Thanh đang trực ca đã nhanh chóng cởi áo, nút lại lỗ thủng có nguy cơ chảy hết dầu do bị bom bi làm thủng…
Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng với công cuộc tái thiết, xây dựng Thủ đô, ngành điện Hà Nội bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, củng cố, phát triển lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. Giai đoạn này, Nhà máy đèn Bờ Hồ được gọi là Sở Quản lý và phân phối Điện khu vực I.
Sau nhiều lần đổi tên, năm 2010, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) được thành lập trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Công ty Điện lực TP Hà Nội hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con và là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
EVNHANOI luôn nâng cao chất lượng quản lý vận hành lưới điện. |
Từ Nhà máy Đèn Bờ Hồ ban đầu, thô sơ, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ và bền vững, trở thành doanh nghiệp phân phối điện hàng đầu Việt Nam và xứng tầm khu vực; đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Vận hành cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định, an toàn tuyệt đối phục vụ các hoạt động chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, ngoại giao của Đảng và Nhà nước.
Đã thành truyền thống, những thế hệ thợ điện Thủ đô luôn tận tâm, phục vụ khách hàng với khẩu hiệu “Chuyên nghiệp - văn minh - hiệu quả”. Ghi nhận những công lao cũng như những thành tích nổi bật đã đạt được trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của EVNHANOI, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý.