Ngày 2-12, nguồn tin từ VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết VKS đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Lê Mai Toản (50 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999.
Ông Lê Mai Toản, cựu Phó chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp. Ảnh: AX |
Cùng bị truy tố tội danh trên còn có các thuộc cấp của bị can Toản, gồm: Phan Văn Thời (34 tuổi, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất); Nguyễn Ngọc Hiệp (40 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng); Lê Văn Ngà 32 tuổi, nguyên nhân viên Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất); Lê Văn A (50 tuổi, nguyên Phó phòng TN&MT huyện Đắk R’Lấp) và Nguyễn Văn Thành (47 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng; Phạm Văn Dũng (54 tuổi, nguyên công chức địa chính xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp).
Theo cáo trạng, năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ được (huyện Đắk R’lấp) trên diện tích 148 ha. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng được UBND huyện Đắk R’Lấp giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện thực hiện từ năm 2013-2016. Thời điểm này, ông Lê Mai Toản là Chủ tịch Hội đồng thẩm định tại dự án.
Công ty cổ phần đo đạc và bản đồ Sê Kông và Công ty TNHH Dịch vụ đo đạc An Nam được thuê đo đạc và lên bản đồ.
Trong quá trình thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án khu công nghiệp Nhân Cơ, Lê Văn A, Nguyễn Văn Thành và Phạm Văn Dũng đã không tiến hành kiểm tra thực địa, đối chiếu các bản đồ địa chính, bản đồ quy hoạch mà vẫn xác nhận vào các giấy tờ kê khai.
Điều này dẫn đến cơ quan chức năng bồi thường cho 34 hộ dân có diện tích đất chồng lẫn với suối, hồ tự nhiên do UBND xã Nhân Cơ quản lý gây thiệt hại số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.
Đối với các thiệt hại trong việc bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt xây dựng trên đất (sai phạm xảy ra tại giai đoạn 3) có liên quan đến các bị can Lê Mai Toản, Nguyễn Ngọc Hiệp, Phan Văn Thời, Lê Văn Ngà.
Theo đó, các bị can này đã không đối chiếu thời điểm công bố quy hoạch với thời điểm xây dựng nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt. Điều này dẫn đến hội đồng đền bù đã lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 40 hộ dân khác có nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ (ngày 26-6-2013), vi phạm quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt hỗ trợ 50%. Cụ thể, hội đồng đền bù huyện Đắk R’Lấp thống nhất chi đền bù trái quy định với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, trong quá trình điều tra, truy tố vụ án, bảy bị can đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi. Đồng thời, các bị can này đã cùng các cá nhân liên quan khắc phục toàn bộ thiệt hại trước khi bị khởi tố với tổng số tiền hơn 4,8 tỉ đồng, riêng bị can Lê Mai Toản khắc phục hơn 2,3 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình công tác nhiều bị cáo có thành tích, được tặng bằng khen… cũng là điều kiện được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Không xử lý người đứng đầu và 74 hộ dân
Theo cáo trạng, cơ quan điều tra không xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Văn Thị, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp. Ông Thị là người đại diện UBND huyện ký các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các giai đoạn của Dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ.
Riêng ông Lê Đình Sáu, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện (là đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các giai đoạn của dự án) đã đã giao cho Phan Văn Thời trực tiếp tổ chức thực hiện.
Đối với 74 hộ dân cũng không có cơ sở xử lý hình sự. Bởi vì, những hộ này kê khai theo đúng hiện trạng sử dụng và đúng thời điểm xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ sinh hoạt nên không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng không xử lý trách nhiệm hình sự đối với 2 doanh nghiệp đo đạc và lên bản đồ....