Mới đây, chính phủ Canada đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, xác định khu vực này là mắt xích quan trọng trong các hoạch định chính sách tương lai. Chiến lược mới được đánh giá là mang tính bao quát với nhiều nội dung đáng chú ý, cũng như thể hiện rõ ý định mở rộng hợp tác giữa Canada với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu chiến thuộc hải quân Canada tập trận ở Thái Bình Dương hồi tháng 11-2021. Ảnh: HẢI QUÂN CANADA |
Năm mục tiêu liên kết nhau
Theo cổng thông tin điện tử của chính phủ Canada, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada xác định trong giai đoạn đầu của kế hoạch triển khai, Canada sẽ đầu tư khoảng 1,7 tỉ USD trong việc đẩy mạnh hỗ trợ các nước trong khu vực trên hàng loạt lĩnh vực. Khoản đầu tư và các dự án này sẽ được đánh giá, cập nhật sau mỗi năm năm.
Đồng thời, Canada cũng nêu rõ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nỗ lực của toàn xã hội, hướng đến năm mục tiêu liên kết với nhau.
Thứ nhất, chiến lược hướng tới thúc đẩy hòa bình, phục hồi kinh tế và tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự ổn định của khu vực này được khẳng định là đóng vai trò quan trọng cho kinh tế - chính trị toàn cầu. Canada sẽ đầu tư mạnh để tăng cường hiện diện quân sự, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng của các nước trong khu vực.
Thứ hai, Canada muốn mở rộng thương mại, đầu tư bằng cách tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực. Điều này diễn ra song song với nỗ lực xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ và an toàn hơn.
Thứ ba, Canada sẽ nỗ lực kết nối người dân trong nước với người dân các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những lĩnh vực kết nối được chú trọng là hợp tác giáo dục, tăng cường năng lực xử lý thị thực, đồng thời khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực.
Thứ tư, Canada quyết tâm góp phần xây dựng tương lai xanh và bền vững cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bởi khu vực này chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Đây cũng là nơi có nhiều nền kinh tế đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - nhân tố sẽ tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường. Canada cam kết chia sẻ chuyên môn về công nghệ sạch, quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu, hợp tác với khu vực để giảm lượng khí thải và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.
Thứ năm, Canada hướng tới trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước này mong muốn mở rộng sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng, làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ đối tác khu vực và hợp tác trên các vấn đề chung.
Canada cũng tuyên bố nhất trí củng cố và mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - mà Việt Nam là một thành viên), cam kết tham gia, đóng góp vào Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thể hiện sự quan tâm ký kết thêm hoặc nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với ASEAN.
Nhân tố Trung Quốc
Tờ South China Morning Post cho biết trong cuộc họp báo công bố chiến dịch mới hồi tuần trước, bốn bộ trưởng chính phủ Canada đã thay phiên nhau trình bày chi tiết về kế hoạch mới, nói rằng chiến lược này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và khí hậu cũng như các mục tiêu kinh tế của Canada.
Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết: “Chúng tôi sẽ tham gia vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về mặt ngoại giao vì chúng tôi nghĩ rằng ngoại giao là một thế mạnh, đồng thời chúng tôi sẽ kiên quyết trong các mục tiêu của mình. Chúng tôi hiện có một kế hoạch rất minh bạch để tiếp cận Trung Quốc (TQ)”.
Thời gian gần đây, chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau phát tín hiệu muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Dữ liệu chính thức cho tháng 9 cho thấy thương mại song phương với TQ chiếm dưới 7% trong tổng số, so với 68% của Mỹ. Canada tiếp cận với các đồng minh châu Á cũng diễn ra khi Washington có dấu hiệu ngày càng trở nên thận trọng đối với thương mại tự do trong những năm qua.
Tài liệu nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan của Canada trong việc phải củng cố quan hệ với TQ ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách định hình trật tự quốc tế thành một “môi trường đẩy những lợi ích và giá trị không phù hợp với Canada”. Tuy nhiên, chiến lược mới chỉ rõ sự hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là cần thiết để giải quyết một số “vấn đề sống còn của thế giới”, bao gồm biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân.
“TQ là một cường quốc toàn cầu với tham vọng thay đổi trật tự hiện tại. Cách tiếp cận của Canada dựa trên sự đánh giá thực tế và rõ ràng về TQ ngày nay. Trong những lĩnh vực có bất đồng sâu sắc, chúng tôi sẽ thách thức TQ nhưng sẽ tìm cách hợp tác trên các lĩnh vực chung” - trích một phần nội dung chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada.
Căng thẳng giữa Canada và TQ tăng cao vào cuối năm 2018, khi cảnh sát Canada bắt giữ giám đốc điều hành Tập đoàn Huawei theo đề nghị của Mỹ, Bắc Kinh sau đó phản ứng bằng việc bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp. Cả ba đã được trả tự do vào năm ngoái nhưng mối quan hệ vẫn còn căng thẳng. Canada hồi đầu tháng đã ra lệnh cho ba công ty TQ thoái vốn đầu tư vào các khoáng sản quan trọng của Canada, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.•
Trung Quốc nói về chiến lược của Canada
Phản ứng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada, giới lãnh đạo TQ cho biết nước này phản ứng mạnh mẽ với những mục tiêu và nội dung mà Canada đang nhắm tới trong khu vực, theo hãng tin Reuters.
Theo đó, người phát ngôn của Đại sứ quán TQ tại Ottawa cho biết cách Canada giải thích các chính sách đối nội và đối ngoại của TQ là hoàn toàn sai lầm. Người này khẳng định “việc Canada tham gia vào cuộc đối đầu địa lý trong khu vực là không hợp lý và yêu cầu nước này từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh, làm tổn hại đến lợi ích của TQ”.
“Nếu phía Canada hành động liều lĩnh bất chấp sức mạnh của mình, họ chắc chắn sẽ phải nhận thất bại, đồng thời sẽ nhận đòn phản công mạnh mẽ từ phía TQ” - người phát ngôn tuyên bố.