Thời gian gần đây, hình ảnh chú ngựa sắt giống như thật của một lão nông ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được quay video đưa lên mạng xã hội được mọi người quan tâm và thích thú.
Ông là Trần Trọng Đức (ngụ xã Bình An, huyện Thủ Thừa), dù không có bằng cấp nhưng với niềm đam mê sáng tạo, ông được nhiều người dân nơi đây gọi bằng biệt danh thân thương là "kỹ sư nông dân".
Trước đó, vào năm 2016, ông từng được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng bằng khen là nông dân có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khi chế tạo chiếc máy phun vôi. Từ năm 2015 đến nay, ông đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước (Tiệp Khắc, Lào, Campuchia, Úc, Mỹ…) hơn 1.000 chiếc máy này.
Ông Trần Trọng Đức đang chế tạo ngựa sắt. Ảnh: HUỲNH DU |
Tiếp nối đam mê và có đôi bàn tay khéo léo, cùng trí tưởng tượng phong phú, ông đã chế tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo khác. Một trong số đó là chú ngựa sắt có thể đi trên đường quê.
Ông Đức chia sẻ tuổi thơ đã từng một hai lần đi ngựa thật nhưng giờ ước mơ này là xa vời khi ngựa ngày càng hiếm. Khi chế tạo ra chú ngựa sắt, ông cảm thấy mình được sống lại một lần tuổi thơ. Ông không ngờ chú ngựa sắt của ông trở nên nổi tiếng và nhiều người biết đến, đặt hàng làm.
Ngựa sắt được làm từ 2 đến 3 tháng để hoàn thiện. Ảnh: HUỲNH DU |
Theo ông Đức, điểm nhấn đáng chú ý của chú ngựa sắt là đôi chân trước được gắn lò xo giảm xóc. Phần đầu ngựa được ghép lại bằng những thanh sắt nhỏ uốn cong khiến cho nhìn vào cảm thấy giống ngựa thật. Để di chuyển, hai chân sau của ngựa được thay bằng bánh xe như xích lô, có thể quay vòng. Hai bánh trước được điều khiển bằng cần tay. Để hỗ trợ tốc độ di chuyển cho ngựa, ông đã cho lắp động cơ điện chạy bằng bình ắc quy đặt dưới ghế ngồi. Động cơ này cũng cung cấp điện cho máy phát ra tiếng nhạc và ngựa hí mỗi khi chạy. Thoạt nhìn từ xa con ngựa sắt này sống động y như thật. Để làm ra một chú ngựa sắt này, ông Đức phải mất từ 2 đến 3 tháng.
Đến nay, ông đã xuất xưởng được 4 con ngựa sắt cho khách hàng trong và ngoài nước. Sau khi hoàn thiện và kiểm tra thử, ông Đức sẽ tháo các bộ phận ra, đóng vào thùng rồi gửi đi cho khách. Giá trung bình của một chú ngựa là khoảng 2.500 đô (hơn 60 triệu đồng).
Ông Đức thường mặc lên bộ trang phục áo dài khăn đóng, cởi trên con ngựa sắt do mình chế tạo biểu diễn trên đường quê. Ảnh: HUỲNH DU |
Ông Đức thường mặc lên bộ trang phục áo dài khăn đóng, cởi con "tuấn mã" phát vang tiếng nhạc, tiếng hí như thật khiến nhiều người thích thú và cảm thấy quay về một thời xưa cũ chưa ngột ngạt động cơ.
Ông Nguyễn Văn Đấu (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “So với ngựa thật thì nó không bằng vì chỉ là động cơ. Tuy nhiên, làm được như vậy tôi thấy cũng hay lắm rồi. Nếu mà ông Đức cải tiến hơn nữa thì sẽ hoàn thiện và càng giống ngựa thật hơn".
Chú ngựa sắt có thể di chuyển suốt 2 tiếng đồng hồ, rồi lại được sạc điện để tiếp tục vận hành. Ngựa di chuyển dễ dàng và êm ái hơn trên đường nhựa.
"Con ngựa này cũng gần giống ngựa thật rồi, khi lái thì điều khiển thì bằng hai sợi dây như dây cương của ngựa, rồi có hai chân để thắng. Cưỡi con ngựa này, tôi thấy vui và thoái mái, nhất là đi giữa cảnh đồng quê được cảm thấy như trở về thưở xa xưa" - ông Lê Văn Phước (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) bày tỏ cảm nghĩ.
Cứ thế, những nhà khoa học "chân đất" như ông Đức đã làm nên những điều kỳ diệu, mang lại những giá trị tinh thần cho cuộc sống tươi đẹp.