Câu chuyện từ hệ sinh thái Tập đoàn FLC và Ngân hàng SCB cho thấy các rủi ro lớn khi thị trường thiếu thông tin này.
Những người trong nghề đều truyền tai nhau Công ty Chứng khoán BOS (mã ART) được ông Trịnh Văn Quyết mua lại, nhưng trên báo cáo thường niên của BOS năm 2021, trước thời điểm ông Quyết bị khởi tố, sở hữu của ông Quyết chỉ có hơn 3,1 triệu cổ phần và được biết là người có liên quan với thành viên HĐQT.
BOS chỉ có 1 cổ đông lớn sở hữu 6 triệu cổ phiếu, trên 5% tổng số cổ phần 90,9 triệu. Tức gần 93% nằm rải rác trong nhà đầu tư nhỏ lẻ và không xác định cổ đông, nhóm cổ đông nào chi phối BOS. Khi ông Quyết bị khởi tố, thị trường không ngạc nhiên vì BOS là nơi đặt các tài khoản của các hoạt động mua bán chéo làm giá.
Trên thị trường niêm yết hiện nay cũng có Công ty Chứng khoán VIX mà thị trường biết có liên quan đến một đại gia, người điều hành, cổ đông lớn của một công ty có tiếng trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trên báo cáo thường niên năm 2021, vị đại gia này chỉ xuất hiện với tư cách cổ đông sở hữu 81,4 triệu cổ phần, là em ruột của Phó chủ tịch HĐQT. Mà bà Phó chủ tịch chỉ sở hữu 3,67% cổ phần. Số cổ phần nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ sở hữu của VIX là hơn 83%, trong khi vốn điều lệ là 5.491 tỷ đồng. Đặc điểm này giúp VIX chịu sự điều hành của một nhóm cổ đông chính có liên quan với nhau, nhưng lượng cổ phiếu giao dịch tự do rất lớn và VIX là cổ phiếu có mức độ biến động mạnh hơn thị trường.
Trên thực tế, rất khó để biết tỷ sở hữu thực sự của một công ty với các công ty và cá nhân liên quan trong một hệ sinh thái. Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ sở hữu thực sự chỉ được công bố một phần, thậm chí không công bố.
Xét riêng về công bố thông tin, khoảng một nửa số công ty niêm yết trên sàn HOSE có độ lệch về công bố thông tin và giao dịch các bên liên quan. Chẳng hạn, báo cáo quản trị công ty, báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm và báo cáo kiểm toán cuối năm không khớp về các giao dịch các bên liên quan. Chưa công bố đầy đủ giao dịch các bên liên quan hoặc nêu đơn vị này có liên quan, nhưng báo cáo quản trị chưa công bố về tổ chức có liên quan.
Theo một chuyên gia về quản trị công ty, Việt Nam hiện chỉ yêu cầu công bố tỷ lệ sở hữu trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp nắm giữ, mà không phải công bố sở hữu gián tiếp. Về lý thuyết, phải tìm được người kiểm soát sau cùng là ai. Nếu dựa thông tin trực tiếp, mà công ty do lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu chưa đại chúng, thì không tra được tỷ lệ sở hữu thực sự là bao nhiêu. Trong khi công bố thông tin sở hữu gián tiếp, trực tiếp là thông lệ tốt được khuyến khích áp dụng.
Hiện nay, các quy định trong lĩnh vực ngân hàng đã hạn chế với Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được là Chủ tịch, thành viên HĐQT các doanh nghiệp khác. Quy định này chưa đủ, vì không đủ thông tin kiểm soát doanh nghiệp trong hệ sinh thái liên quan đến ngân hàng, mà SCB là một ví dụ. Tỷ lệ công bố thông tin về sở hữu chéo và hệ sinh thái hiện nay còn rất hạn chế dù công bố thông tin sở hữu chéo là không đơn giản.
Không đơn giản là do việc xác định thời điểm một cá nhân, tổ chức trở thành người có liên quan hoặc không còn liên quan. Cùng với đó, việc xác định liên quan trên thực tế khá phức tạp.
Các chuyên gia cho rằng, dù khó nhưng việc bổ sung các quy định công bố thông tin về sở hữu chéo, sở hữu của các bên liên quan cần được sớm thực hiện.
Làn sóng call margin cổ phiếu của ông chủ, cổ đông lớn trong tháng 11 cho thấy, các thông tin bán giải chấp chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhiều ông chủ khác bị bán giải chấp mà không có thông tin được công bố, vì sở hữu không chính danh.
Đại diện một quỹ đầu tư nhận xét, ở Việt Nam, các ông chủ thường để người khác đứng tên tài khoản giúp, nhưng ít nhất những thông tin chính danh và các bên liên quan như sở hữu của người nhà cũng cần được công khai.