Những mặt phát huy tốt
Bà Nguyễn Ngọc Xuân Quỳnh, Thành viên Hội đồng đánh giá sơ khảo Quản trị công ty năm 2022 |
Về quyền lợi của cổ đông trong công ty, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang dần được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nên việc chi trả cổ tức của các doanh nghiệp hầu hết được thực hiện tốt hơn so với năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, điều này đáp ứng mức độ tuân thủ về việc đối xử bình đẳng và kịp thời với các cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp đều tổ chức ĐHĐCĐ thành công và đúng hạn trong vòng 4 tháng đầu năm tài chính 2021.
Về vấn đề công bố thông tin minh bạch, nhìn chung, các doanh nghiệp đều thúc đẩy việc thực hiện tốt hoạt động công bố thông tin đáp ứng mức độ tuân thủ theo các quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện công bố thông tin rõ ràng về quy trình tìm kiếm, tuyển chọn, giới thiệu, đề cử nhân sự cho HĐQT trong Điều lệ, Quy chế QTCT. Mặt khác, các doanh nghiệp đều công bố thông tin tài liệu ĐHĐCĐ đầy đủ và đúng hạn. Việc công bố các tài liệu như trên một cách minh bạch giúp cổ đông có thể cập nhật các thông tin cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chính họ khi bị xâm phạm.
Hiện nay, đội ngũ lãnh đạo của hầu hết các doanh nghiệp đều có năng lực và kinh nghiệm tại nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này thỏa mãn sự đa dạng về lĩnh vực chuyên môn trong đội ngũ lãnh đạo. Đa số doanh nghiệp đều công bố các báo cáo chi tiết về hoạt động của HĐQT trong năm, bao gồm tổng kết các cuộc họp và các quyết định của HĐQT. HĐQT của hầu hết các doanh nghiệp đều mỗi năm họp ít nhất 4 lần, với sự tham dự của ít nhất 3/4 thành viên.
Hiện nay, vấn đề tách bạch chức danh của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP đang được thực hiện khá tốt. Ngoài tiêu chí trên, các doanh nghiệp đã khắc phục và dần đáp ứng thông lệ tốt trong năm là không có thành viên HĐQT nào là tổng giám đốc đã từng tại vị trong thời gian 2 năm trước kể từ đầu năm đánh giá. Đây là tiêu chí hướng đến thông lệ tốt nhằm ngăn chặn tình trạng áp đặt trong quá trình điều hành doanh nghiệp, ngăn cản đổi mới trong tổ chức, góp phần giúp bộ máy vận hành được đổi mới hơn, có nhiều cải thiện hơn.
Những mặt cần cải thiện
Về quyền lợi của cổ đông trong công ty, năm 2022, các doanh nghiệp hầu như giảm đầu tư cho tài liệu ĐHĐCĐ bằng tiếng Anh, điều này thể hiện sự hạn chế trong việc tạo điều kiện tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nước ngoài. Đối với vấn đề tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến cùng với việc bỏ phiếu điện tử được khuyến khích thực hiện theo thông lệ, nhưng được đánh giá vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện hơn so với năm trước.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho cổ đông đóng góp ý kiến cho công ty bên ngoài khuôn khổ các kỳ ĐHĐCĐ như tổ chức các hội nghị nhà đầu tư, các chương trình gặp gỡ. Hiện việc tổ chức các hội nghị nhà đầu tư vẫn còn hạn chế ở các doanh nghiệp nhỏ, mà chỉ xuất hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn.
Về vấn đề công bố thông tin minh bạch, QTCT đòi hỏi một khuôn khổ pháp luật vững chắc để hỗ trợ giám sát và thực thi hiệu quả. Nhưng đến nay, việc công bố thông tin minh bạch tại một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng ở mức độ tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Không nhiều doanh nghiệp trình bày rõ và đúng với luật định về các giao dịch bên liên quan thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT hoặc ĐHĐCĐ trong Điều lệ công ty. Phần lớn doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc đảm bảo báo cáo thường niên có công bố thông tin chi tiết về thù lao, lương thưởng, lợi ích khác của từng thành viên HĐQT và ban kiểm soát/ủy ban kiểm toán, công bố thông tin thiếu chủ yếu các khoản chi tiết thù lao, khoản lợi ích và các chi phí khác, hoặc số tổng cụ thể của cả ban. Như vậy, các doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào cũng nên nhận thức về tầm quan trọng của việc công bố thông tin, vì khi quy trình và hệ thống công bố thông tin được nâng cao, tính minh bạch là một công cụ hiệu quả tác động đến hoạt động QTCT và góp phần bảo vệ nhà đầu tư.
Về phía HĐQT, đối với cơ cấu HĐQT, cần phải đảm bảo chính sách cân bằng giới để thiết lập đặc điểm đa dạng giới tính. Hiện tại, rất ít doanh nghiệp công bố chính sách đảm bảo cân bằng giới trong cơ cấu HĐQT, vẫn còn rất nhiều trường hợp doanh nghiệp 100% HĐQT là nam. Năm nay, rất hiếm doanh nghiệp công bố các tiêu chí sử dụng để lựa chọn thành viên HĐQT mới cao hơn mức cơ bản luật định gắn với chiến lược phát triển bền vững. Đây là câu hỏi mang tính chất thông lệ nên đa số doanh nghiệp vẫn công bố các tiêu chí lựa chọn theo luật, chưa hướng đến việc công bố tiêu chí cao hơn để đáp ứng mức độ thông lệ.
Một trong những đặc điểm quan trọng quyết định hiệu quả của QTCT là mức độ cân bằng giữa thành viên độc lập và thành viên điều hành trong cơ cấu HĐQT, vì các thành viên HĐQT độc lập có sự độc lập nhất định đối với lợi ích của công ty, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít doanh nghiệp đạt tỷ lệ 1/3 thành viên độc lập theo thông lệ tốt hoặc chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập.
Về khía cạnh phát triển bền vững, hiện nay, chất lượng công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) mặt bằng chung là giảm, rất hiếm doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững riêng và hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng cho mình báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI. Chỉ khoảng 15% công ty thực hiện công bố chính sách và các thực hành trong việc thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đẩy mạnh các chính sách khen thưởng nhân viên gắn với hiệu quả hoạt động của công ty trong dài hạn hơn là trong ngắn hạn. Kết quả đánh giá cho thấy, năm 2022, các doanh nghiệp rất hạn chế trong việc thực hiện chương trình phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên (ESOP).
Đồng thời, một tỷ lệ rất thấp doanh nghiệp công bố trên website công ty bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp. Doanh nghiệp nên xem xét cải thiện vấn đề này do đây là một công cụ hữu hiệu trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trên thực tế, rất hiếm doanh nghiệp công bố rõ ràng chính sách báo cáo sai phạm như thông tin liên hệ và quy trình thực hiện báo cáo sai phạm khi các bên liên quan nhận thấy quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm, hay quy trình tiếp nhận và xử lý các báo cáo sai phạm đó.
Về vấn đề điểm thưởng, điểm phạt, bên cạnh các câu hỏi về điểm thưởng, các tiêu chí về điểm phạt cũng gây ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm trường hợp ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT duyệt các giao dịch thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Theo đó, pháp luật đã có những quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ và HĐQT trong các trường hợp khác nhau, nhưng một số doanh nghiệp vẫn không đáp ứng tuân thủ. Ghi nhận có rất nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn như thay vì HĐQT thì ĐHĐCĐ ủy quyền cho tổng giám đốc/giám đốc duyệt các giao dịch thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vẫn còn nhận điểm phạt khi vướng mắc trong vấn đề bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thuế. Đây là những tiêu chí có thể chủ động đề xuất cải thiện từ các doanh nghiệp nên cần có những chính sách phù hợp, xây dựng phương án kiểm soát để hạn chế việc vi phạm và bị xử phạt trong những trường hợp như trên.
Tóm lại, thực tế đánh giá cho thấy, vấn đề nâng cao năng lực QTCT cần thực hiện hiệu quả và triệt để hơn nữa. Để thực hiện tối đa hóa hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần phải trau dồi khả năng quản trị tốt, không chỉ đáp ứng ở mức độ tuân thủ theo quy định của pháp luật, mà còn phải hướng đến đáp ứng các thông lệ tốt để đưa doanh nghiệp tiến bộ qua từng thời kỳ.