Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng đang sôi động hơn về những tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất mạnh so với năm ngoái và cao hơn cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch COVID-19. Điều này cho thấy nhu cầu hàng hóa tăng, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gần như phục hồi hoàn toàn.
Sản phẩm nước dứa đóng chai này vốn là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU, Mỹ. Hiện Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đã phải tăng gấp đôi công suất sản xuất để vừa đảm bảo xuất khẩu và cũng đáp ứng tiêu thụ các sản phẩm đồ uống dịp cuối năm, lễ Tết.
Ông Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho hay: "Thị trường trong nước là một trong những thị trường rất tiềm năng. Mình cũng có thể linh hoạt được với thay đổi của thị trường này. Do vậy chúng tôi kỳ vọng nâng cao hơn nữa doanh số bán hàng trong nước, cân bằng giữa 50% xuất khẩu, 50% tiêu thụ nội địa".
Các mặt hàng lĩnh vực ăn uống, dịch vụ lưu trú gấp 1,5 lần, dịch vụ du lịch, lữ hành gấp 4,1 lần, nhờ đó tính riêng tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
"Thời điểm cuối năm lượng khách du lịch quốc tế tăng, nhờ vậy chúng ta cũng tận dụng thúc đẩy xuất khẩu nội địa. Cùng với đó là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và gia tăng chất lượng sản phẩm hàng hoá", ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay.
Ông Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định: "Rất hứa hẹn vào tiêu thụ nội địa dịp cuối năm này. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á đang cho thấy sức sản xuất trong nước ổn định trong bối cảnh biến động toàn cầu. Cùng với đó sức tiêu dùng trong nước tốt trong khi giá cả đang được giữ ở mức hợp lý. Hai yếu tố này đang hỗ trợ nhau rất tốt trong bức tranh kinh tế cả năm nay".
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Rõ ràng, khi sức tiêu dùng tăng, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ và cơ bản được kiểm soát. Như vậy, yếu tố này sẽ giúp cung - cầu ổn định, nhờ vậy dòng tiền được luân chuyển trong nền kinh tế.
"Hiện lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, dưới chỉ tiêu được giao cả năm nay. Áp lực giá cả vẫn có thể tăng nhẹ. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu trong nước tăng mạnh thời gian vừa qua sẽ hỗ trợ rất tốt cho phía cung đó là thúc đẩy hoạt động sản xuất", bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay.
Trong bối cảnh diễn biến thế giới có nhiều yếu tố khó lường với xuất khẩu, thì thị trường nội địa đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm 2021 và 11 của tháng năm nay.
Đẩy mạnh tiêu dùng trên thương mại điện tử
Để tăng trưởng được tiêu dùng, dịch vụ, việc kích cầu là vô cùng quan trọng. Nhiều giải pháp tiếp cận và phân phối mới được các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử áp dụng. Thậm chí, Bộ Công Thương đã có cả một chiến dịch livestreams (phát trực tuyến) 60h liên tục để đưa hàng chục nghìn sản phẩm chính hãng đến với người tiêu dùng.
Black Friday, Midnight sale, Online Friday… và nhiều hoạt động giảm giá khác đều diễn ra trong tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã kích cầu tiêu dùng trực tuyến tăng đến 200%. Đáng nói, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn vì các nền tảng được liên thông.
Giảm giá 49%, giảm giá 70%, thậm chí giảm giá 100%... tại sao mức giá có thể giảm sâu đến vậy? Theo nhiều đơn vị, đó là nhờ vào việc cắt giảm chi phí logistics, nhất là thông qua hoạt động livestreams.
Lĩnh vực thương mại điện tử có đóng góp lên tới 14 tỷ USD cho kinh tế số của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp cố tình nâng giá bán rồi dán mác giảm giá sâu hoặc những hoài nghi về chất lượng hàng hóa vẫn là mối quan tâm của người mua hàng.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, nếu hàng hóa có những vi phạm về chất lượng công bố hoàn toàn có thể bị gỡ và đóng cửa vĩnh viễn trên các sàn thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, nông sản với các sản phẩm đặc trưng ở từng xã tại 63 tỉnh, thành cũng được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng được đến tay người tiêu dùng với chi phí hợp lý nhất.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, lĩnh vực thương mại điện tử có đóng góp lên tới 14 tỷ USD cho kinh tế số của Việt Nam.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP quý 3 rất ấn tượng, đạt 13,6% tạo đà cho tăng trưởng cả năm nay được dự báo trên 8%. Nghĩa là quý IV chỉ cần đạt mức tăng trưởng khoảng trên 6%. Mục tiêu này cũng hoàn toàn khả thi nhờ 2 yếu tố đóng góp rất lớn cho tăng trưởng là tiêu dùng, dịch vụ và xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.13030610240212202-gnourt-gnat-ohc-pog-gnod-gnud-ueit-hnam-yad/et-hnik/nv.vtv